VIẾNG LĂNG BÁC - Viễn Phương
Bài soạn của cô Đặng Thiên Thanh - Gia Sư Thành Thắng
A. KIẾN THỨC CƠ BẢN
I. Tác giả: Viễn Phương tên khai sinh là Phan Thanh Viễn, sinh năm 1928, quê ở tỉnh An Giang. Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ông hoạt động ở Nam Bộ. Viễn Phương là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng ở miền Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
II. Tác phẩm:
1. Hoàn cảnh sáng tác:
Năm 1976, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc, đất nước thống nhất, lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh cũng vừa khánh thành, tác giả ra thăm miền Bắc và vào lăng viếng Bác Hồ. Bài thơ Viếng lăng Bác được sáng tác trong dịp đó và in trong tập Như mây mùa xuân năm 1978.
2. Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật:
- Nội dung: Bài thơ thể hiện lòng thành kính, niềm kính yêu sâu sắc của nhà thơ và mọi người đối với Bác Hồ khi vào lăng viếng Bác.
- Nghệ thuật: Bài thơ có giọng điệu trang trọng và tha thiết, nhiều hình ảnh ẩn dụ đẹp và gợi cảm, ngôn ngữ bình dị và cô đọng.
3. Mạch cảm xúc và bố cục.
* Mạch cảm xúc: theo trình tự của một chuyến đi vào lăng viếng Bác, từ khi đứng trước lăng đến khi bước vào lăng, cho tới tận lúc ra về. Mở đầu là những cảm xúc về khung cảnh bên ngoài lăng, tập trung ở ấn tượng về hàng tre bên lăng gợi hình ảnh những người lính hiên ngang bảo vệ quê hương đất nước. Tiếp đó là cảm xúc trước dòng người bất tận ngày ngày vào lăng viếng Bác. Những xúc cảm nảy nở và suy ngẫm về Bác được gợi lên từ những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng như: mặt trời, vầng trăng, trời xanh. Cuối cùng là niềm mong ước thiết tha khi sắp phải trở về quê hương miền Nam, muốn tấm lòng mình vẫn được mãi mãi ở lại bên lăng Bác.
* Bố cục: Gồm 4 phần:
- Khổ 1: Cảm xúc của tác giả trước không gian, cảnh vật bên ngoài lăng.
- Khổ 2: Cảm xúc khi nhìn thấy đoàn người vào lăng viếng Bác.
- Khổ 3: Cảm xúc khi vào lăng viếng Bác, nhìn thấy di hài Bác.
- Khổ 4: Những tình cảm, cảm xúc trước lúc ra về.
B. PHÂN TÍCH BÀI THƠ
1. Cảm xúc của nhà thơ trước không gian, cảnh vật bên ngoài lăng và khi nhìn thấy đoàn người vào lăng viếng Bác:
- Tình cảm chân thành mà giản dị của đồng bào miền Nam muốn nhắn gửi, nhờ Viễn Phương nói hộ cùng Bác.
- Câu thơ “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác” chỉ gói gọn trong một lời thông báo nhưng lại gợi ra tâm trạng xúc động của một người từ chiến trường miền Nam sau bao nhiêu năm mong mỏi bây giờ mới được ra viếng lăng Bác.
- Cách dùng đại từ xưng hô “con” rất gần gũi, thân thiết, ấm áp, gợi lên tình thân thương, diễn tả tâm trạng của người “con” ra thăm “cha” sau bao nhiêu năm nhớ nhung, mong mỏi.
- Cách nói giảm nói tránh: Từ “thăm” thay cho từ viếng, giảm nhẹ nỗi đau thương mất mát, Bác Hồ còn sống mãi trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam.
- Hình ảnh hàng tre: mang tính chất tượng trưng, giàu ý nghĩa liên tưởng sâu sắc, hàng tre là hình ảnh thân thuộc của làng quê, đất nước Việt Nam, đã trở thành một biểu tượng của cả dân tộc. Cây tre mang biểu tượng của tâm hồn thanh cao, sức sống bền bỉ, kiên cường của dân tộc.
Ôi, hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa xa đứng thẳng hàng.
- Hình ảnh hàng tre đứng hiên ngang tựa như những người lính đang ngày đêm canh giữ cho giấc ngủ nghìn thu của Bác Hồ. Dẫu “bão táp mưa xa” vẫn hiên ngang, mạnh mẽ, bất khuất.
- “Ôi” là từ cảm thán, biểu thị niềm xúc động tự hào trước hình ảnh hàng tre.
- Sự tôn kính của tác giả khi đứng trước lăng Người:
- Khổ thơ thứ hai được tạo nên từ cặp câu ẩn dụ song đôi:
+ Một là mặt trời thiên nhiên rực rỡ, vĩnh hằng, ngày ngày đi qua trên lăng.
+ Một là hình ảnh mặt trờ bên trong lăng - hình ảnh ẩn dụ - Bác Hồ.
Mặt trời của thiên nhiên đem lại ánh sáng và sự sống cho muôn loài, còn mặt trời Bác Hồ đem lại ánh sáng, soi đường chỉ lối, mở ra cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho dân tộc. Màu sắc “rất đỏ” làm cho câu thơ có hình ảnh đẹp, ấn tượng sâu xa hơn, nói lên tư tưởng cách mạng, lòng yêu nước nồng nàn của Bác.
=> Thông qua hình ảnh ẩn dụ trên, tác giả vừa nói lên sự vĩ đại của Bác Hồ (như mặt trời), vừa thể hiện được sự tôn kính của nhân dân, của nhà thơ đối với Bác.
- Hình ảnh “dòng người đi trong thương nhớ”: là hình ảnh thực, ngày ngày dòng người đi trong nỗi xúc động, bồi hồi, trong lòng tiếc thương kính cẩn, trong lòng nặng trĩu nỗi nhớ thương.
- Nhịp thơ chậm, giọng thơ trầm như bước chân của dòng người vào Lăng viếng Bác. Dòng người vào lăng viếng Bác kết thành những tràng hoa không chỉ là hình ảnh tả thực, so sánh với những dòng người xếp thành hàng dài vào lăng Bác trong những tràng hoa vô tận, mà còn là một ẩn dụ đẹp, sáng tạo của nhà thơ: cuộc đời của họ đã nở hoa dưới ánh sáng của Bác. Những bông hoa tươi thắm đó đang đến dâng lên người những điều tốt đẹp nhất.
- Dâng “Bảy mươi chín mùa xuân”: hình ảnh hoán dụ mang ý nghĩa tượng trưng: con người bảy mươi chín mùa xuân ấy đã sống một cuộc đời đẹp như những mùa xuân và đã làm nên những mùa xuân cho đất nước, cho con người.
II. Cảm xúc của nhà thơ khi vào lăng viếng Bác, nhìn thấy di hài Bác.
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!
- Niềm biết ơn thành kính đã chuyển thành niềm xúc động nghẹn ngào khi tác giả nhìn thấy Bác.
“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng trong dịu hiền”
Bác đang ngủ giấc ngủ bình yên, thanh thản giữa vầng trăng sáng dịu hiền.
- Ánh sáng dịu nhẹ trong lăng gợi sự liên tưởng: Ánh trăng (hình ảnh ẩn dụ)
- Tác giả nhớ đến những vần thơ của Bác tràn đầy ánh trăng, trăng đã từng đi vào từng câu thơ của Bác: trong nhà lao, trên chiến trận, giờ đây trăng đến ru giấc ngủ ngàn thu cho Người.
- Hình ảnh “vầng trăng” dịu hiền gợi cho ta nghĩ đến tâm hồn cao đẹp, trong sáng của Bác. Người có lúc như mặt trời ấm áp, có lúc dịu hiền như ánh trăng rằm. Đó cũng là sự biểu hiện rực rỡ, vĩ đại của con người và sự nghiệp của Bác.
- Tâm trạng xúc động của nhà thơ được biểu hiện bằng một hình ảnh ẩn dụ sâu xa: “Vẫn biết trời xanh là mãi mãi”. Bác ra đi nhưng hóa thân vào thiên nhiên đất trời của dân tộc, sống mãi trong sự nghiệp và tâm trí của nhân dân như bầu trời xanh vĩnh viễn ở trên cao.
- Dù vẫn tin như thế nhưng không thể không đau xót vì sự ra đi của Người. Nỗi đau xót đã được nhà thơ bộc lộ rất cụ thể, trực tiếp: “Mà sao nghe nhói ở trong tim” Nỗi đau quặn thắt tê tái sâu trong tâm hồn như hàng nghìn mũi kim đâm vào trái tim dang thổn thức khi đứng trước thi hài của Người. Đó là sự rung cảm chân thành của nhà thơ.
III. Cảm xúc của nhà thơ khi rời lăng, nghĩ đến ngày trở về miền Nam
Tâm trạng lưu luyến của nhà thơ muốn được ở mãi bên cạnh Bác.
- Từ ngữ gợi cảm “thương trào nước mắt” gợi lên niềm xúc động vô bờ của nhà thơ khi phải xa Bác.
- Điệp ngữ “Muốn làm” biểu cảm vừa trực tiếp vừa gián tiếp. Đó là nỗi khao khát, là ước nguyện chân thành, khẳng định của nhà thơ
+ Muốn làm con chim hót để cất cao âm thanh của thiên nhiên, đẹp đẽ, trong lành.
+ Muốn làm một đóa hoa để tỏa hương thơm thanh cao nơi Bác yên nghỉ.
+ Muốn làm cây tre trung hiếu giữ mãi giấc ngủ bình yên cho Người.
=> Những hình ảnh ẩn dụ mang ý nghĩa tượng trưng “Con chim hót, đóa hoa tỏa hương, cây tre trung hiếu” mang ý nghĩa hướng đến lẽ sống có ích, có ý nghĩa, mong muốn được cống hiến cho cuộc đời.
=> Hình ảnh cây tre xuất hiện khép lại bài thơ một cách khéo léo. Cây tre biểu trưng cho sự trung hiếu của con người. Hình ảnh được lặp lại ở cuối bnafi thơ còn tạo nên kết cấu đầu cuối tương ứng chặt chẽ. Những hình ảnh cây tre ở đây mang nét nghĩa mới so với khổ đầu, đó là cây tre trung hiếu thể hiện ước nguyện của tác giả muốn được trung thành với sự nghiệp cách mạng và con đường giải phóng đất nước mà Bác đã vạch ra.
IV. Nghệ thuật đặc sắc:
- Giọng thơ phù hợp với tình cảm, cảm xúc, giọng điệu vừa nghiêm trang, vừa sâu lắng, vừa đau xót, thiết tha, xen lẫn niềm tự hào thể hiện đúng tâm trạng xúc động của nhà thơ khi vào lăng viếng Bác.
- Giọng điệu tạo nên bởi nhiều yếu tố: Thể thơ, nhịp điệu, từ ngữ, hình ảnh.
+ Thể thơ: 8 chữ, gieo vần linh hoạt, nhịp chậm, thể hiện sự nghiêm trang, thành kính.
+ Khổ cuối nhịp nhanh hơn nhờ các điệp ngữ thể hiện mong muốn tha thiết của nhà thơ.
+ Hình ảnh sáng tạo, vừa thực, vừa ảo, mang ý nghĩa ẩn dụ biểu tượng.
+ Bài thơ giàu chất suy tưởng và trữ tình đằm thắm, diễn tả niềm xúc động, thành kính.
Cảm xúc của bài thơ được cộng hưởng với tình cảm thiêng liêng Bác giành cho nhân dân miền Nam và tình cảm của cả dân tộc đối với Người. Nhà thơ đã nói hộ những tình cảm của toàn dân tộc gửi tới vị cha già kính yêu. Đó không phải là nỗi đau xót mềm yếu, trái lại cho ta thêm nghị lực đi tiếp con đường của Bác.
V. Kết bài:
Viếng lăng Bác là một bài thơ đẹp về mặt hình ảnh, hay về mạnh cảm xúc và gây xúc động sâu sắc trong lòng người đọc. Không chỉ riêng nhà thơ mà tất cả mọi người vẫn sẽ luôn và mãi nhớ về Bác.
“Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút”.
Tố Hữu
👍 𝐒𝐮𝐛𝐬𝐜𝐫𝐢𝐛𝐞 𝐮𝐬 𝐨𝐧 𝐘𝐨𝐮𝐓𝐮𝐛𝐞
https://www.youtube.com/channel/UCDToQcZaZi0YAjAPxvv9S8g
👍 𝐅𝐨𝐥𝐥𝐨𝐰 𝐮𝐬 𝐨𝐧 𝐅𝐚𝐜𝐞𝐛𝐨𝐨𝐤
https://www.facebook.com/GiaSuThanhThang
👍 𝐉𝐨𝐢𝐧 𝐨𝐮𝐫 𝐨𝐟𝐟𝐢𝐜𝐢𝐚𝐥 𝐦𝐞𝐝𝐢𝐚 𝐜𝐡𝐚𝐧𝐧𝐞𝐥𝐬 𝐚𝐧𝐝 𝐬𝐭𝐚𝐲 𝐮𝐩𝐝𝐚𝐭𝐞𝐝
*****
Gia Sư Thành Thắng | StudyCare
The more we care - The more you succeed
- Dạy kèm Toán - Lý - Hóa - Sinh - Văn - Anh theo chương trình phổ thông Quốc Gia và chương trình học các cấp của các trường Quốc Tế.
- Luyện thi chuyển cấp lớp 9 lên lớp 10, luyện thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia, Luyện thi Đại Học.
- Giảng dạy và luyện thi IELTS - TOEIC - TOEFL - PTE - SAT - ACT - GMAT - GRE và các chứng chỉ Quốc Tế.
📌 72/53 Nguyễn Văn Thương, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP.HCM (click to see us on GG map)
Website: https://studycare.edu.vn/
Điện thoại: (028).353.66566
Zalo: 098.353.1175
Brochure: https://drive.google.com/file/d/1nUbv7rFdBNRDXDRd5nw2IHRNE-7QSLDn/view?usp=sharing