SÓNG – Xuân Quỳnh
Tổng hợp và biên soạn:
Ms. Đặng Thiên Thanh
Lecturer and Content Marketing Specialist Digital Marketing Department | StudyCare
Bachelor in Business Administration, Vietnam – Japan Institute of Technology, Ho Chi Minh City University of Technology
Bachelor in English Language & Literature, Hanoi Open University
I. TÁC GIẢ
Nguyễn Thị Xuân Quỳnh (1942 – 1988), quê ở Hà Tây, lớn lên ở Hà Nội. Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ tiêu biểu cho những nhà thơ trẻ thời chống Mĩ. Hồn thơ của Xuân Quỳnh mang vẻ đẹp phong phú, hồn nhiên, tươi tắn của một trái tim hồn hậu, chân thành, nhiều âu lo và luôn da diết khát vọng hạnh phúc bình dị đời thường.
II. TÁC PHẨM
Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm: Bài thơ Sóng được sáng tác vào ngày 29/12/1967 tại biển Diêm Điền (Thái Bình) trong giai đoạn kháng chiến chống Mĩ, được in trong tập Hoa dọc chiến hào, xuất bản năm 1968.
Hình tượng sóng và em: Xuyên suốt bài thơ là hình ảnh những con sóng tâm tình – hay đó thật ra chính là tình cảm của người phụ nữ khi yêu, được khơi dậy lúc nhìn ngắm biển cả mênh mông, muôn trùng sóng nước. Sóng – Em, với hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã tìm được cách thể hiện chính xác vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu.
III. PHÂN TÍCH TÁC PHẨM:
Khổ 1: Tình yêu là sự nhận thức, vươn đến khát khao cao rộng, lớn lao
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Dữ dội hòa quyện cùng dịu êm, ồn ào đan xen với lặng lẽ. Những đặc tính của sóng tưởng chừng như đối lập với nhau nhưng lại hài hòa một cách kỳ lạ. Cũng giống như người phụ nữ khi yêu vậy. Vẻ ngoài đôi lúc bình lặng nhưng bên trong lại chứa đựng sức mạnh tiềm tàng, khao khát mãnh liệt. Hoặc sự sục sôi, dữ dội bên ngoài lại dùng để che lấp đi trái tim nhân hậu, đằm thắm, mong muốn được yêu thương và chở che. Thế rồi sóng đã dũng cảm từ bỏ dòng sông với những giới hạn chật hẹp, những thỏa mãn tầm thường để đến với biển cả bao la. Cũng giống như trong tình yêu, con người luôn khao khát vươn đến sự lớn lao đích thực. Dẫu là người phụ nữ, thì khi đứng trước tình yêu chân thực, họ vẫn mong muốn được dùng hành động để chứng minh cho tình yêu của mình.
Khổ 2: Khẳng định khát vọng của tình yêu luôn hiện diện trong trái tim tuổi trẻ
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Hai câu thơ đầu vừa thể hiện sự ngạc nhiên, vừa mang ý nghĩa khẳng định khát vọng tình yêu mãnh liệt trong trái tim người con gái khi yêu. “Vẫn thế” – nghĩa là không có điều gì khác, không có điều gì thay đổi. Sự tồn tại bất diệt của sóng biển là quy luật của tự nhiên và sự thủy chung của người con gái cũng là quy luật của tình yêu muôn thuở. Ở đây, thi sĩ nói đến “khát vọng tình yêu”. Đó chính là sự đam mê cháy bỏng, mãnh liệt, không có giới hạn cuối cùng. Đấy cũng là nét đặc trưng của tình yêu thật sự.
Khổ 3 và 4: Niềm suy tư, trăn trở của người phụ nữ trong tình yêu
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Hình tượng sóng trong những vần thơ ngọt ngào, tha thiết đầy gợi cảm mang tính nhân văn sâu sắc. “Trước muôn trùng sóng bể” của đại dương mênh mông, người phụ nữ bồi hồi nghĩ về quy luật của sự sống, về sự trường tồn của đại dương, về điều kì diệu của biển cả khi từng con sóng nối bờ liên tục. Điệp từ “em nghĩ” được nhắc đi nhắc lại càng làm rõ hơn những suy nghĩ sâu sắc trong lòng nhà thơ. Câu hỏi tu từ cuối cùng đã thể hiện được tình yêu mãnh liệt và chân thành của người phụ nữ. Bởi, yêu càng nhiều thì những suy tư, trăn trở về tình yêu sẽ càng thêm lớn lao.
“Khi nào ta yêu nhau”, em không biết và cũng không ai biết. Tựa như con sóng kia xưa nay vẫn ngày ngày xô vào bờ cát trắng. Câu hỏi tưởng chừng như vô lý ấy khi đặt trong giới hạn của tình yêu thì lại trở nên vô cùng ý nghĩa. Nếu như sóng là quy luật của tự nhiên thì tình yêu chính là quy luật của tâm hồn. Đây là một triết lý đầy thiết thực cho những tuổi trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa của tình yêu.
Khổ 5 và 6: Nỗi nhớ và lòng thủy chung của người phụ nữ trong tình yêu
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương
Sáu câu thơ của khổ 5 đứng giữa bài thơ như một đợt sóng lòng chợt cuộn lên. Biển có những “con sóng dưới lòng sâu” và “trên mặt nước”. Nếu “con sóng trên mặt nước” làm xôn xao biển cả thì “con sóng dưới lòng sâu” lại mang nặng bao nhiêu nhớ thương. Những con sóng ấy “ngày đêm không ngủ được”, cứ dạt dào triền miên, cồn cào da diết bởi nỗi “nhớ bờ”. “Sóng nhớ bờ” là một quy luật vĩnh cửu muôn đời, theo mạch cảm xúc của đoạn thơ, nó đã diễn tả được hết thảy những cung bậc, những giai điệu của tình yêu. Để rồi nỗi nhớ ấy dần hiển hiện lên vô cùng chân thực và thẳng thắn, “lòng em nhớ đến anh”, nhớ đến mức “cả trong mơ còn thức”, bởi vì sợ hãi chỉ cần nhắm mắt lại, tất cả sẽ tan biến vào hư vô. Không phải sự táo bạo nào cũng chứng tỏ được đó là một tình yêu chân chính, nhưng tình yêu chân chính thì không thể thiếu được sự mê say và cuồng nhiệt.
Ở khổ thơ thứ 6, Xuân Quỳnh nêu lên một định luật muôn đời của mọi người phụ nữ trong tình yêu: lòng thủy chung son sắt. Nhà thơ đưa ra lời khẳng định chân lý vững chắc của bao đời nay, “dẫu xuôi về phương Bắc”, “dẫu ngược về phương Nam”, dù có biết bao nhiêu “vận đổi sao dời” xảy đến trong cuộc đời này đi chăng nữa, thì con sóng vẫn sẽ mãi xô bờ, và những người có tình thì sẽ luôn có khả năng vượt qua muôn trùng thử thách, gian khổ để tìm về với nhau. Con sóng là “em”, sẽ mãi tìm đến phương hướng có “anh” mà vỗ hoài vỗ mãi những khát khao tình yêu. “Hướng về anh - một phương” – vì “anh” chính là điểm đến của bao cảm xúc yêu thương, của niềm động lực tiếp thêm cho em nguồn sức mạnh để vượt qua bao vất vả ngược xuôi của đời thường.
Khổ 7 và 8: Hình tượng Sóng – những trăn trở và âu lo đời thường
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Hai khổ thơ này tựa hồ đã bật thốt lên những lo âu, trăn trở vẫn thường hiển hiện trong trái tim mỗi người phụ nữ khi yêu. Nhưng rồi, dẫu biển kia có rộng bao la thì sóng vẫn cứ sẽ xô bờ, trời cao dẫu mênh mông bốn bể thì mây trắng vẫn bay về, và cuộc đời này có dài biết mấy thì năm tháng rồi cũng sẽ trôi qua. Và tình yêu muôn đời sẽ còn lại ở đó, chỉ cần luôn kiên định và tin tưởng vào nó, giữ mãi khát khao cho trái tim mình.
Khổ 9: Sóng – khát khao tình yêu, sự vĩnh hằng của thiên nhiên
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
Cuối bài thơ, tác giả đưa người đọc đến với chặng cuối cùng của tình yêu: tình yêu giờ đây đã trở thành một thứ tình cảm mãnh liệt và cao vời hơn hết thảy, không còn là “anh”, là “em” nữa. Tình yêu của đôi lứa đã trở thành niềm khát khao được hóa thân “thành trăm con sóng nhỏ”, đễ vỗ mãi ngàn năm theo biển lớn tình yêu. Dẫu cho có là một năm, mười năm, hay một ngàn năm đi chăng nữa, thì cũng chỉ là một cái chớp mắt của thời gian. Nhưng đối với đời người hữu hạn, thì khát khao ấy là mong muốn đạt đến cái vô cùng của thời gian, cái vô tận của không gian, trong tình yêu.
👍 𝐒𝐮𝐛𝐬𝐜𝐫𝐢𝐛𝐞 𝐮𝐬 𝐨𝐧 𝐘𝐨𝐮𝐓𝐮𝐛𝐞
https://www.youtube.com/channel/UCDToQcZaZi0YAjAPxvv9S8g
👍 𝐅𝐨𝐥𝐥𝐨𝐰 𝐮𝐬 𝐨𝐧 𝐅𝐚𝐜𝐞𝐛𝐨𝐨𝐤
https://www.facebook.com/GiaSuThanhThang
👍 𝐉𝐨𝐢𝐧 𝐨𝐮𝐫 𝐨𝐟𝐟𝐢𝐜𝐢𝐚𝐥 𝐦𝐞𝐝𝐢𝐚 𝐜𝐡𝐚𝐧𝐧𝐞𝐥𝐬 𝐚𝐧𝐝 𝐬𝐭𝐚𝐲 𝐮𝐩𝐝𝐚𝐭𝐞𝐝
*****
Gia Sư Thành Thắng | StudyCare
The more we care - The more you succeed
- Dạy kèm Toán - Lý - Hóa - Sinh - Văn - Anh theo chương trình phổ thông Quốc Gia và chương trình học các cấp của các trường Quốc Tế.
- Luyện thi chuyển cấp lớp 9 lên lớp 10, luyện thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia, Luyện thi Đại Học.
- Giảng dạy và luyện thi IELTS - TOEIC - TOEFL - PTE - SAT - ACT - GMAT - GRE và các chứng chỉ Quốc Tế.
📌 72/53 Nguyễn Văn Thương, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP.HCM (click to see us on GG map)
Website: https://studycare.edu.vn/
Điện thoại: (028).353.66566
Zalo: 098.353.1175
Brochure: https://drive.google.com/file/d/1nUbv7rFdBNRDXDRd5nw2IHRNE-7QSLDn/view?usp=sharing