NÓI VỚI CON - Y PHƯƠNG

NÓI VỚI CON - Y PHƯƠNG

11/10/2021 CÔNG TY CP ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC STUDYCARE 0 Bình luận

NÓI VỚI CON - Y Phương

Tổng hợp và biên soạn:

Ms. Đặng Thiên Thanh

Lecturer and Content Marketing Specialist | Digital Marketing Department | StudyCare

Bachelor in Business Administration, Vietnam – Japan Institute of Technology, Ho Chi Minh City University of Technology

Bachelor in English Language & Literature, Hanoi Open University

A. KIẾN THỨC CƠ BẢN

I. Tác giả:

Y Phương tên khai sinh là Hứa Vĩnh Sước, dân tộc Tày, sinh năm 1948, quê ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Ông nhập ngũ năm 1968, phục vụ trong quân đội đến năm 1981. Sau đó, ông chuyển về công tác tại Sở văn vóa Thông tin tỉnh Cao Bằng. Từ năm 1993, ông là Chủ tịch Hội văn học Nghệ thuật Cao Bằng, thơ của Y Phương thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ, trong sáng, tư duy, giàu hình ảnh của con người miền núi.

 

II. Tác phẩm:

1. Hoàn cảnh sáng tác:

Trích trong tập Thơ Việt Nam (1945-1985).

 

2. Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật:

- Nội dung: Bài thơ thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương đất nước. Bài thơ còn giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi, gợi nhắc đến tình cảm gắn bó với truyền thống, với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống.

 

- Nghệ thuật: Giọng điệu trìu mến thiết tha, thể hiện qua lời tâm sự của cha với con, thế hệ trước với thế hệ mai sau. Thể thơ tự do, làm cho mạch cảm xúc trở nên cụ thể, rõ ràng hơn. Nhịp điệu lúc nhẹ nhàng lúc bay bổng, khi khúc chiết rành rọt, khi mạnh mẽ âm vang. Thể hiện rõ lời khuyên của người cha muốn truyền tải đến người con. Ngôn ngữ cụ thể, khái quát, bao hàm nhiều ý nghĩa, hình ảnh thơ độc đáo.

 

3. Mạch cảm xúc và bố cục.

* Mạch cảm xúc: Mượn lời nói với con, bài thơ gợi nhớ về cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người, bộc lộ niềm tự hào về sức sống bền bỉ của quê hươn, dân tộc. Bài thơ đi từ tình cảm gia đình, sau đó mở rộng đến tình cảm quê hương, từ những kỉ niệm gần gũi, thiết tha, dần dần nâng lên thành lẽ sống. Cảm xúc, chủ đề của bài thơ được bộc lộ, dẫn dắt một cách tự nhiên, có tầm khái quát nhưng vẫn thấm thía.

 

* Bố cục: Gồm 2 phần:

- Đoạn 1 (Từ “Chân phải ... trên đời”): người cha nói với con về tình cảm cội nguồn.

- Đoạn 2 (Phần còn lại): Người cha nói về truyền thống quê hương và dặn dò con trên đường đời.

 

B. PHÂN TÍCH BÀI THƠ

1. Cội nguồn nuôi dưỡng của mỗi con người:

a. Bốn câu thơ đầu: Con lớn lên trong tình yêu thương, sự dẫn dắt của cha mẹ

- Mỗi đứa con thơ dường như đều lớn lên trong

 

Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười

 

- Đoạn thơ gợi lên khung cảnh đầm ấm và hạnh phúc của một gia đình. Từng bước đi chập chững của con chính là từng nhịp đập vui sướng trong lòng những người làm cha, làm mẹ. Đó chính là những bước đi đầu tiên của con trên cuộc đời này, tất cả đều được cha mẹ yêu thương và đón nhận.

 

- Không chỉ vậy, ngôi nhà khi có thêm một thiên thần nhỏ còn tràn ngập tiếng nói cười – những âm thanh vui tươi, sống động ấy như làm đoạn thơ trở nên tươi sáng và tràn đầy màu sắc hơn.

 

- Kết cấu đối xứng nhau như “Chân phải…”, “Chân trái…”, “một bước…”, “hai bước…” và cả điệp ngữ đã tạo nên tính nhạc cho đoạn thơ.

 

- Nét đặc sắc ở đây còn là cách dùng từ “chạm” và “tới” đã cụ thể hóa những tiếng nói tiếng cười ấy, khiến ta có cảm giác như những âm thanh ấy luôn hiện hữu thật rõ ràng đến mức ta có thể cảm nhận được.

 

b. Bảy câu thơ tiếp theo: Con lớn lên trong sự đùm bọc, che chở của bản làng, của dân tộc

- Rồi đứa con cũng dần trưởng thành, bên cạnh tình yêu thương của cha mẹ là cuộc sống lao động, khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, nghĩa tình của quê hương nâng đỡ con nên người.

 

Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời

 

- “Người đồng mình” là người vùng mình, người miền mình. Cách nói miền núi giản dị nhưng thấm đẫm trong đó là tình thân, tình thương của một xứ sở của những người con dân tộc miền núi. Họ đã cùng nhau sinh sống trên miền đất ấy, cùng có chung một cội nguồn dân tộc.

 

- Nơi đó, có cuộc sống lao động cần cù của đồng bào thân thương, được nhà thơ gợi lên qua những hình ảnh vô cùng đẹp đẽ, tả thực và giàu ý nghĩa:

 

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

 

- Lờ là vật dụng dùng để đánh bắt cá, được đan bằng những nan tre vót tròn. Cái dụng cụ bình dị ấy vừa là phương tiện lao động, vừa là sự sáng tạo văn hóa. Mỗi vành nan được trau chuốt tỉ mỉ bằng đôi bàn tay khéo léo, vừa đan vừa cài cho kín để bắt cá, vừa làm cho đẹp, cho thẩm mỹ: “cài nan hoa”.

 

- Cuộc sống lao động, nhất là lao động ở miền núi không mấy dễ dàng, bao mồ hôi, nhọc nhằn đã đổ xuống nơi rừng núi hùng vĩ, mênh mông và bao la đất trời ấy. Nhưng qua lời thơ dạt dào tình cảm quê hương của Y Phương, dường như cuộc sống thẫm đẫm những giọt mồ hôi ấy cũng có cái thi vị đầy tình người. Từng chút, từng chút những tình cảm ấy đã được hình thành qua bao đời, trở thành điểm tựa, nơi nâng đỡ cho những đứa con trưởng thành trong lao động.

 

- Vách nhà người miền núi ở Cao Bằng thường làm bằng những tấm ván gỗ dựng sát nhau hoặc đan bằng tre nứa, ken liền vào nhau cho khít. Dẫu đơn sơ là thế, nhưng “Vách nhà ken câu hát” bỗng làm cho không gian xung quanh trở nên thơ mộng làm sao! Nhà thơ đã thổi hồn văn hóa dân tộc mình vào từng câu thơ. Những hình ảnh thơ ấy không phải lúc nào cũng có thể lý giải rõ nghĩa nhưng cái hồn của nó vẫn có thể dễ dàng chạm đến nơi sâu thẳm những tầm lòng đồng điệu. Người miền núi sống hồn nhiên và cuộc sống của họ rất giàu sắc thái văn hóa nghệ thuật. Họ có thể thổi khèn, thổi sáo, gảy đàn, hát then, hát lượn, … Những âm thanh vui tươi ấy có thể xuất hiện ngay bên bậu cửa, trên bậc thang nhà sàn, vờn quanh bếp lửa hoặc uốn lượn theo dòng suối sau nhà. Tiếng đàn, điệu hát tha thiết như ken vào từng vách nhà, vấn vít hồn người, đầm ấm, gợi nên bao yêu thương, hạnh phúc mà quê hương ban tặng.

 

- Rừng núi quê hương cũng thật thơ mộng, nghĩa tình:

 

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

 

Có thể rừng núi nơi ấy vẫn còn hoang sơ, đường đi còn nhiều gai góc, khó khăn, trắc trở, … nhưng thiên nhiên quê hương vẫn rất đẹp, rất thơ mộng và hào phóng khi ban tặng cho nơi hoang vu ấy muôn ngàn sắc hoa rực rỡ. Chính những đóa hoa của rừng núi đó đã nuôi dưỡng cho vẻ đẹp tâm hồn của con người: trong sáng, giản dị, mộc mạc, đôn hậu, chân thành, … Con đường rừng vô tận đã hun đúc cho con lối sống nghĩa tình. Bởi trên con đường mà cuộc đời con đi qua, con đã, đang, và sẽ được gặp, được nhận lấy bao tấm lòng thủy chung của “người đồng mình”, của dân tộc mình.

 

- Còn cha mẹ, “Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới – Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”, như một cách sống thủy chung, nghĩa tình, sâu nặng. Đó là cuộc sống biết gắn bó với cội nguồn, biết ơn và trân trọng từng giây phút quý báu trong cuộc đời.

 

2. Niềm tự hào về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của quê hương, của dân tộc:

a. Lời dặn dò đầu tiên:

Ở phần thơ tiếp theo, người cha vừa tâm tình, vừa răn dạy, vừa nhắn nhủ với người con biết bao điều về lẽ sống. Lời dặn dò trìu mến, ấm áp, tin cậy đó được gửi gắm vào trong những hình ảnh về quê hương núi rừng vừa mộc mạc, đơn sơ, vừa hùng vĩ, oai nghiêm. Điều đó đã làm nên một nét chấm phá riêng biệt rất xúc động của bài thơ.

 

- Câu thơ tiếp theo vừa là lời dặn dò, vừa mang sắc thái tình cảm trang trọng:

 

Người đồng mình thương lắm con ơi.

 

- “Người đồng mình” – được nhắc đi nhắc lại trong bài thơ bằng thứ tình cảm yêu thương ruột thịt, bằng giọng thơ êm ái, người cha muốn nhắn nhủ với đứa con yêu của mình rằng: con ơi, con hãy yêu lấy, gắn bó, và trân trọng bản làng, dân tộc mình.

 

- Cách nói giàu hình ảnh:

 

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

 

Rất phù hợp với cách biểu hiện và phong thái của người dân tộc miền núi. Nỗi buồn của sự thất bại, của những vấp ngã trên đường đời rồi sẽ trở thành nguồn động lực vô hình, giúp ta vươn lên, khắc phục khó khăn để trưởng thành, Nỗi buồn càng cao thì sự từng trải, kinh nghiệm càng dày, càng vững chắc. Chí càng lớn, thì lẽ sống của con người càng cao xa, lòng quyết tâm đạt được ước mơ và hoài bão sẽ được nuôi dưỡng, ấm ủ và hun đúc một cách mãnh liệt hơn. Hai câu thơ đã làm bật lên những thử thách, khó khăn của cuộc đời mỗi con người. Chỉ cần có niềm tin, sức mạnh, động lực và ý chí, con người sẽ sẵn sàng vượt qua và chiến thắng nó ở độ “cao”“xa” nhất.

 

b. Lời dặn dò thứ hai:

- Cách sống nhân nghĩa, thủy chung là lối suy nghĩ, tình cảm cao đẹp của người miền núi. Cuộc sống dẫu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng con người vẫn thương yêu, đoàn kết, gắn bó bên nhau, không sợ gian khổ:

 

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

 

- Từng hình ảnh trong mỗi câu thơ về thiên nhiên, núi rừng, sông ngòi như đang mô tả và đề cao cách sống, lối sống cao đẹp của con người.

 

- Một lần nữa, từ “sống” lại được tác giả sử dụng:

 

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc

 

- Con ơi con, đây chính là lẽ sống trên đời mà cha muốn truyền dạy lại cho con. Dẫu thác ghềnh, núi cao, sông sâu đến đâu đi chăng nữa, thì cũng không được khuất phục, không được từ bỏ ý chí, tấm lòng của người đồng mình.

 

c. Lời dặn dò thứ ba:

- Vẫn là cách nói đầy mộc mạc:

 

Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

 

Nhà thơ đã đặt quan hệ đối lập giữa hai cụm từ này với ý nghĩa tượng trưng sâu sắc: “thô sơ da thịt” – chỉ thể chất giản đơn, bình dị, không cầu kì, hoa mĩ, kiểu cách; “nhỏ bé” – tâm hồn nhỏ bé, mang theo ý nghĩ, cách sống, tình cảm vị kỷ, cá nhân, hẹp hòi. Cha muốn nhắn nhủ với con, rằng điều cơ bản nhất của mỗi con người là phải sống với một tâm hồn cao cả, không câu nệ thể chất, hình thức bên ngoài.

 

d. Lời dặn dò thứ tư:

- Truyền thống của dân tộc, của bản làng là điều mà cả cha và con không bao giờ được quên. Câu thơ với ngôn ngữ độc đáo đã gây ấn tượng sâu sắc cho người đọc:

 

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục

 

- Hình ảnh thơ mang ý nghĩa khái quát cao. “Đục đá” đâu chỉ là việc làm gian khổ mà đó còn là ý chí, niềm tin mạnh mẽ, là tấm lòng của con người. “Kê cao quê hương” là việc làm cụ thể nhưng ánh lên vẻ đẹp cao quý của con người. Đó là ước nguyện được đóng góp, xây dựng cuộc sống ấm no, tươi đẹp, văn minh, tiến bộ của bản làng, của dân tộc. Đó là nét đẹp của con người, đã trở thành nếp nghĩ, nếp sống: Không tách rời bản làng, quê hương, Tổ quốc.

 

- Câu thơ từ lời dặn dò dần chuyển sang ý khẳng định:

 

Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được

Nghe con

 

- “Lên đường”, con phải biết giữ lấy những truyền thống bao đời của dân tộc làm hành trang tiến bước. Con sẽ và chỉ có thể trưởng thành khi biết phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, dân tộc.

 

- Lời thơ cuối cũng dần trở nên tha thiết hơn. Cha nhắn nhủ đến con khi lên đường không được bó mình trong những điều nhỏ bé tầm thường mà phải giữ lấy cốt cách giản dị, mộc mạc của người đồng mình.

 

- Hai tiếng “Nghe con” ở cuối bài thơ là tấm lòng của cha dành cho con. Hay nói đúng hơn đó chính là lời của quê hương đối với mỗi chúng ta.

 

⭐⭐⭐⭐⭐

StudyCare Education

The more we care - The more you succeed

⭐⭐⭐⭐⭐

  • 🔹 Bồi dưỡng Toán - Lý - Hóa - Sinh - Văn - Anh theo chương trình phổ thông Quốc Gia và chương trình học các cấp của các trường Quốc Tế.
  • 🔹 Luyện thi chuyển cấp lớp 9 lên lớp 10, luyện thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia, Luyện thi Đại Học.
  • 🔹 Giảng dạy và luyện thi IELTS - TOEIC - TOEFL - PTE - SAT - ACT - GMAT - GRE và các chứng chỉ Quốc Tế.
  • 🔹 Hỗ trợ các loại hồ sơ, thủ tục cấp VISA Du học - Du lịch - Định cư các Quốc gia Châu Âu, Châu Úc, Châu Mỹ.
  • 🔹 Các dịch vụ dịch thuật chuyên nghiệp: dịch thuật chuyên ngành; dịch thuật công chứng; dịch thuật các loại sách, giáo trình.
  • 🔹 Hoạt động hỗ trợ học thuật chuyên môn cao: cung cấp số liệu, dữ liệu khoa học; xử lý các mô hình Toán bằng phần mềm chuyên dụng; cung cấp các tài liệu điện tử có bản quyền: sách chuyên ngành, các bài báo khoa học.

⭐⭐⭐⭐⭐

Công ty CP Đầu tư Phát triển Giáo dục StudyCare

MST 0313301968

⭐⭐⭐⭐⭐

📌 72/53 Nguyễn Văn Thương, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP.HCM

☎ Điện thoại: (028).353.66566

📱 Zalo: 098.353.1175

📋 Brochure: https://goo.gl/brochure

📧 Email: hotro@studycare.edu.vn

🏡 Location: https://goo.gl/maps/studycare

🌐 Visit us online: https://qrco.de/studycare

popup

Số lượng:

Tổng tiền: