CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG – NGUYỄN DỮ
Đề: Phân tích nhân vật Vũ Nương trong truyện ngắn Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ
Bài soạn của cô Đặng Thiên Thanh - Gia Sư Thành Thắng
I. Mở bài:
- Chuyện người con gái Nam Xương là một kiệt tác văn chương của nhà văn Nguyễn Dữ. Truyện được trích trong tác phẩm Truyền kỳ mạn lục, viết bằng chữ Hán vào thế kỷ XVI, theo lối văn xuôi.
- Nhân vật chính trong tác phẩm là Vũ Thị Thiết, quê ở huyện Nam Xương. Cuộc đời của nàng Vũ Nương được xem là hình tượng tiêu biểu cho thân phận hẩm hiu, số phận bi đát của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.
II. Thân bài:
1. Tóm tắt tác phẩm:
Chuyện kể về nàng Vũ Thị Thiết, quê ở huyện Nam Xương, được chàng Trương Sinh mến vì dung hạnh, tư dung tốt đẹp nên cưới về làm vợ. Ít lâu sau, Trương Sinh phải đầu quân đi lính, để lại mẹ già và Vũ Nương - đang có mang ở nhà. Mẹ Trường Sinh vì thương nhớ con nên ốm nặng rồi qua đời. Vũ Nương lo ma chay chu toàn cho mẹ chồng. Khi giặc tan, Trường Sinh về nhà, nghe lời nói của con nhỏ nên nghi ngờ vợ không chung thủy. Vũ Nương bị oan, bèn gieo mình xuống sông Hoàng Giang tự vẫn. Sau khi vợ mất, một đêm, Trương Sinh cùng con ngồi bên đèn, đứa con trỏ vào bóng chàng trên vách mà nói đó là cha nó. Lúc đó, Trường Sinh mới hiểu vợ mình bị oan. Phan Lang - người cùng làng với Vũ Nương, do cứu mạng thần Rùa Linh Phi - vợ vua Nam Hải, nên khi chạy nạn, chết đuối ở biển đã được Linh Phi cứu sống để trả ơn. Phan Lang gặp lại Vũ Nương trong động của Linh Phi, hai người nhận ra nhau. Khi Phan Lang được trở về trần gian, Vũ Nương gửi chàng Phan chiếc hoa vàng cùng lời nhắn đến Trường Sinh. Trường Sinh nghe Phan Lang kể, bèn lập đàn giải oan cho vợ. Vũ Nương trở về, ngồi trên kiệu hoa đứng ở giữa dòng tạ ơn và từ biệt chồng rồi bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần, biến đi mất.
- Phân tích nhân vật Vũ Nương:
a. Người phụ nữ có nhiều phẩm chất tốt đẹp:
- Vũ Nương vốn là người vợ hiền, dâu thảo, vừa đẹp người lại vừa đẹp nết. Trong cuộc sống vợ chồng, Vũ Nương rất ý tứ, luôn giữ gìn khuôn phép để bảo vệ hạnh phúc gia đình.
- Khi chồng đi lính, nàng khắc khoải nhớ mong, lo lắng cho chồng, giữ gìn tiết hạnh, lòng dạ thủy chung, thay chồng phụng dưỡng mẹ già, nuôi dạy con thơ, giữ gìn nhà cửa chu toàn. Nàng hết lòng thương con, vì không muốn con thiếu tình thương cha nên thường trỏ vào bóng mình trên vách mà bảo đó là cha Đản. Ba năm Trường Sinh đi lính xa nhà, cũng là ngần ấy thời gian bé Đản được sống trong tình thương yêu của mẹ và cha (chiếc bóng).
b . Số phận bi đát của người phụ nữ phong kiến xưa:
- Bi kịch cuộc đời Vũ Nương có lẽ chính là bi kịch của đại đa số các gia đình trong xã hội phong kiến xưa, hầu như những nguyên nhân sâu xa gây nên đều là do chiến tranh, loạn lạc.
- Chiến tranh đã chia cắt tình nghĩa vợ chồng. Chiến tranh là mất mát, đau thương, không chỉ với người ở tiền tuyến xa xôi, mà còn với cả người đang ở hậu phương:
Mẹ già thương nhớ con đến héo mòn thân xác. Vì tuổi già và nỗi nhớ con khôn nguôi, mẹ Trương Sinh đã ra đi mãi mãi. Một mình Vũ Nương ở nhà lo liệu ma chay chu toàn cho bà cụ giống như đối đãi với mẹ ruột của nàng vậy.
Chiến tranh - vợ yêu chồng đến nhớ nhung, khắc khoải, tưởng tượng “cái bóng” - hình ảnh người chồng - để thỏa lòng nhung nhớ. Ấy thế mà chính nó đã đẩy nàng vào bi kịch thương tâm!
- Vũ Nương rơi vào bi kịch gia đình khi Trương Sinh trở về và nghi ngờ lòng chung thủy của nàng. Nàng muốn phân trần để chồng hiểu, nhằm bảo vệ hạnh phúc gia đình có nguy cơ tan vỡ nhưng Trương Sinh vốn “con nhà hào phú” lại thất học, đa nghi, thêm tính cả ghen nên đã bỏ ngoài tai mọi lời bày tỏ của vợ, mọi lời bênh vực của hàng xóm, họ hàng. Thói gia trưởng, nam quyền đã ăn sâu vào bản chất. Vũ Nương đau đớn thất vọng cho “duyên phận hẩm hiu chồng con rẫy bỏ, chịu tiếng nhuốc nhơ”. Cuối cùng, Vũ Nương chọn cách tự trầm mình xuống bến Hoàng Giang để làm “sáng ngọc Mị Nương, tỏa hương cỏ Ngu Mi”, nhằm rửa sạch tiếng oan của mình.
- Cái chết của Vũ Nương là lời tố cáo cho sự bất công của chế độ phong kiến đối với người phụ nữ. Đây là một thực trạng của xã hội xưa. Người phụ nữ trong xã hội lúc bấy giờ luôn luôn bị ràng buộc trong những tập tục lễ giáo phong kiến nghiệt ngã bởi quan niệm trọng nam khinh nữ, bởi thói gia trưởng, nam quyền độc đoán. Vì thế, họ không nói lên được tiếng nói đòi quyền sống, quyền được hạnh phúc của mình, họ phải chịu bao cảnh bất công trong chế độ nam quyền ấy .
- Nhưng, Vũ Nương không “làm mồi cho tôm cá” , nàng được các nàng tiên trong cung nước cứu rồi trở về thủy cung Nàng sống ở thủy cung nhưng hạnh phúc của nàng ở trần gian đã tan vỡ. Vũ Nương ở thủy cung với Linh Phi nhưng quyền làm mẹ, làm vợ của nàng lại không còn nữa. “Trâm gãy binh tan” , đó là nỗi đau lớn nhất của người phụ nữ. Rõ ràng, dương gian ngày ấy không có chỗ cho người phụ nữ dung thân!
c . Nỗi khát khao chính đáng của người phụ nữ:
- Tuy rơi vào cảnh bất hạnh, đau thương nhưng người phụ nữ vẫn khao khát được khẳng định phẩm chất của mình. Mặc dù chết oan uổng nhưng Vũ Nương vẫn luôn mong muốn được giải oan.
- Chính nhà văn đã hiểu và thông cảm cho thân phận của người phụ nữ. Co lẽ vì vậy mà tác giả đã xây dựng nên những yếu tố hoang đường, kỳ ảo, giàu tính thẩm mỹ và ý nghĩa như: chi tiết Phan Lang nằm mộng rồi thả rùa - Linh Phi; Phan Lang bị đắm thuyền và được Linh Phi cứ ; Phan Lang gặp Vũ Nương ở cung nước; Phan Lang trở về dương gian, đem theo lời gửi gắm của Vũ Nương dành cho Trương Sinh; chàng gặp lại Trường Sinh và cuối cùng là hình ảnh Vũ Nương trở về dương thế. Nàng ngồi trên một chiếc kiệu hoa, theo sau có năm mươi chiếc xe cơ tán, võng lọng, rực rỡ đầy sông, lúc ẩn, lúc hiện... Chính những yếu tố truyền kỳ đã nâng cao giá trị tư tưởng và giá trị nhân đạo của tác phẩm.
III . Kết bài:
- Nhân vật Vũ Nương là hình tượng tiêu biểu cho thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa: họ là những người mẹ, người vợ, người con hiếu thảo đảm đang, chung thủy, giàu tình yêu thương... nhưng lại có số phận hẩm hiu, bi đát .
- Chuyện người con gái Nam Xương của tác giả Nguyễn Dữ vừa tố cáo hiện thực xã hội phong kiến, vừa nêu bật lên thân phận người phụ nữ bạc mệnh trong xã hội đầy loạn lạc ấy.
- Ngày nay, người phụ nữ đã không còn phải chịu cảnh bất công trong xã hội nam quyền nữa. Họ đang từng ngày khẳng định tài năng, trí tuệ, phẩm chất tốt đẹp của mình để góp phần xây dựng nên cuộc sống tươi đẹp và giàu lòng nhân ái...
𝐒𝐮𝐛𝐬𝐜𝐫𝐢𝐛𝐞 𝐮𝐬 𝐨𝐧 𝐘𝐨𝐮𝐓𝐮𝐛𝐞
https://www.youtube.com/channel/UCDToQcZaZi0YAjAPxvv9S8g
👍 𝐅𝐨𝐥𝐥𝐨𝐰 𝐮𝐬 𝐨𝐧 𝐅𝐚𝐜𝐞𝐛𝐨𝐨𝐤
https://www.facebook.com/GiaSuThanhThang
👍 𝐉𝐨𝐢𝐧 𝐨𝐮𝐫 𝐨𝐟𝐟𝐢𝐜𝐢𝐚𝐥 𝐦𝐞𝐝𝐢𝐚 𝐜𝐡𝐚𝐧𝐧𝐞𝐥𝐬 𝐚𝐧𝐝 𝐬𝐭𝐚𝐲 𝐮𝐩𝐝𝐚𝐭𝐞𝐝
*****
Gia Sư Thành Thắng | StudyCare
The more we care - The more you succeed
- Dạy kèm Toán - Lý - Hóa - Sinh - Văn - Anh theo chương trình phổ thông Quốc Gia và chương trình học các cấp của các trường Quốc Tế.
- Luyện thi chuyển cấp lớp 9 lên lớp 10, luyện thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia, Luyện thi Đại Học.
- Giảng dạy và luyện thi IELTS - TOEIC - TOEFL - PTE - SAT - ACT - GMAT - GRE và các chứng chỉ Quốc Tế.
📌 72/53 Nguyễn Văn Thương, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP.HCM (click to see us on GG map)
Website: https://studycare.edu.vn/
Điện thoại: (028).353.66566
Zalo: 098.353.1175
Brochure: https://drive.google.com/file/d/1nUbv7rFdBNRDXDRd5nw2IHRNE-7QSLDn/view?usp=sharing