ÁNH TRĂNG - NGUYỄN DUY

ÁNH TRĂNG - NGUYỄN DUY

11/10/2021 CÔNG TY CP ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC STUDYCARE 0 Bình luận

ÁNH TRĂNG - Nguyễn Duy

Tổng hợp và biên soạn:

Ms. Đặng Thiên Thanh

Lecturer and Content Marketing Specialist | Digital Marketing Department | StudyCare

Bachelor in Business Administration, Vietnam – Japan Institute of Technology, Ho Chi Minh City University of Technology

Bachelor in English Language & Literature, Hanoi Open University

A. KIẾN THỨC CƠ BẢN

I. Tác giả:

Nguyễn Duy (1948) quê ở Thanh Hóa Ông thuộc thế hệ nhà thơ quân đội trưởng thành trước cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Sau chiến tranh, Nguyễn Duy vẫn say sưa và tiếp tục con đường thơ của mình. Thơ ông ngày càng đậm đà, ổn định một phong cách, một giọng điệu “quen thuộc mà không nhàm chán”. Thơ Nguyễn Duy có giàu triết lí, thiên về chiều sâu nội tâm với những trăn trở, day dứt suy tư. Các tác phẩm chính của ông: Cát trắng (thơ 1973), Ánh trăng (thơ 1984), Mẹ và em (thơ 1987). Tác giả đã được nhận các giải thưởng: Giải nhất thơ tuần báo Văn nghệ (1973); Giải A về thơ của hội nhà văn Việt Nam (1985).

 

II. Tác phẩm:

1. Hoàn cảnh sáng tác:

Bài thơ ra đời năm 1978 tại thành phố Hồ Chí Minh (3 năm sau ngày kết thúc chiến tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước).

 

2. Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật:

- Nội dung: Bài thơ là lời nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên đất nước, bình dị, hiền hậu. Từ đó, gợi nhắc người đọc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ.

 

- Nghệ thuật: Giọng điệu tâm tình, tự nhiên kết hợp giữa yêu tố trữ tình và tự sự. Hình ảnh giàu tính biểu cảm: hình ảnh ánh trăng giàu ý nghĩa biểu tượng.

 

3. Mạch cảm xúc và bố cục của bài thơ:

- Bài thơ là câu chuyện nhỏ được kể theo trình tự thời gian từ quá khứ đến hiện tại với các mốc sự kiện trong cuộc đời con người. Dòng cảm xúc của nhà thơ cũng được bộc lộ theo mạch tự sự. Theo dòng tự sự ấy mạch cảm xúc đi từ quá khứ đến hiện tại và lắng kết trong cái “giật mình” cuối bài thơ.

 

- Bố cục:

+ 3 khổ thơ đầu: kí ức về vầng trăng trong quá khứ của tác giả và trong hiện tại.

+ Khổ 4: tình huống bất ngờ khiến hồi ức ùa về.

+ 2 khổ cuối: sự hối hận của tác giả vì đã lãng quên vầng trăng.

 

4. Sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình:

- Bài thơ mang dáng dấp của một câu chuyện nhỏ, một lời tâm tình kể theo trình tự thời gian. Dòng cảm hứng trữ tình của nhà thơ men theo mạch tự sự đó. Ở quãng thời gian quá khứ đã có một sự chuyện biến đổi, một sự thực đáng chú ý: bắt đầu từ hồi ức về “hồi nhỏ”, “hồi chiến tranh” sống gần gũi, gắn bó với thiên nhiên, với vầng trăng: “ngỡ không bao giờ quên - cái vầng trăng tình nghĩa”. Tiếp đó là sự thay đổi của hoàn cảnh hiện tại “từ hồi về thành phố”, con người sống với những tiện nghi hiện đại mà quên đi vầng trăng: “vầng trăng đi qua ngõ - như người dưng qua đường”.

 

- Trong dòng diễn biến theo thời gian, sự việc bất thường ở khổ thơ thứ 4: “Thình lình đèn điện tắt” chính là bước ngoặt để tác giả bộc lộ cảm xúc, thể hiện chủ đề tác phẩm. Vầng trăng tròn ở ngoài kia, trên kia đối lập với “phòng buyn-dinh tối om”. Chính vì xuất hiện đột ngột trong bối cảnh ấy, vầng trăng bất ngờ mà tự nhiên đã gợi ra bao kỉ niệm nghĩa tình.

 

B. PHÂN TÍCH TÁC PHẨM

1. Câu chuyện về mối quan hệ giữa nhà thơ và vầng trăng:

a. Hai khổ thơ đầu: Tác giả gợi lại những kỷ niệm đẹp, tình cảm gắn bó giữa con người và vầng trăng trong quá khứ:

- Bốn câu thơ gắn với giọng kể thủ thỉ, tâm tình “hồi nhỏ”, “chiến tranh” đã gợi lại một quãng thời gian dài từ thời niên thiếu đến lúc trưởng thành và nhất là trong những năm tháng gian lao thời chiến tranh. Cả một quãng thời gian dài có biết bao kỉ niệm đẹp với trăng. Khổ thơ mở ra một khoảng không gian, thời gian bao la:

“Hồi nhỏ sống với đồng

Với sông rồi với bể

Hồi chiến tranh ở rừng

Vầng trăng thành tri kỉ”

 

- Cuộc sống vất vả gian lao nhưng gần gũi với thiên nhiên: “với đồng”, “với sông”, “với bể”, “ở rừng”.

 

- Trong dòng hồi tưởng, tác giả đã khái quát vẻ đẹp của cuộc sống bình dị, vô tư, hồn nhiên và khẳng định tình cảm gắn bó bền chặt của con người với vầng trăng “tri kỉ”, “tình nghĩa”.

 

+ Trăng là người bạn chia sẻ mọi vui buồn, trăng đồng cam cộng khổ, xoa dịu những đau thương của chiến tranh bằng thứ ánh sáng mát dịu...

 

+ Trăng là người bạn đồng hành trên mỗi bước đường gian lao nên trăng hiện diện như là hình ảnh của quá khứ, là hiện thân của kí ức chan hòa tình nghĩa...

“Trần trụi với thiên nhiên

Hồn nhiên như cây cỏ

Ngỡ không bao giờ quên

Cái vầng trăng tình nghĩa”

 

- Ở đây vầng trăng cũng được nhân hóa để trở thành người bạn tri kỉ với nhân vật trữ tình của bài thơ. Với sự gắn bó nghĩa tình ấy nhà thơ đã từng tâm niệm “không bao giờ quên”. Giọng thơ hồi tưởng đều đặn nhưng từ “ngỡ” như báo hiệu trước sự xuất hiện của những biến chuyển trong câu chuyện của nhà thơ.

 

b. Khổ thơ thứ ba đưa người đọc trở về hiện tại với những đời đổi thay trong mối quan hệ của nhà thơ với vầng trăng:

“Từ hồi về thành phố

Quen ánh điện, cửa gương

Vầng trăng đi qua ngõ

Như người dưng qua đường”

 

- Tác giả đã tạo ra sự đối lập về hoàn cảnh sống của con người trong hiện đại với quá khứ, “ánh điện, cửa gương” là cách nói hoán dụ tượng trưng cho cuộc sống đầy đủ, tiện nghi, khép kín trong những căn phòng hiện đại, xa rời thiên nhiên. Trước đây con người sống với sông, đồng, bể, rừng, thiên nhiên, còn giờ đây lại sống với những tiện nghi đầy đủ: ánh điện, cửa gương, phòng buyn-đinh.

 

- Từ đó nhà thơ diễn tả sự đổi thay trong tình cảm của con người lãng quên vầng trăng từng một thời là tri kỷ. Cái bạc bẽo vô tình đến với người ta từ từ, kín đáo, khó nhận ra: “Vầng trăng tri kỷ, tình nghĩa” trở thành “người dưng qua đường”. Vầng trăng vẫn “đi qua ngõ” những con người hờ hững, thờ ơ, không còn nhận ra trăng đã từng là người tri kỷ, tình nghĩa một thời. Con người trong cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc, ấm êm dễ vô tình hay cũng có thể là cố tình quên đi quá khứ gian khổ, đau thương. Tâm lý ấy không phải chỉ là cá biệt. Thế nên người ta vẫn thường nhắc nhở nhau: “ngọt bùi nhờ lúc đắng cay”, để không bao giờ quay lưng lại với quá khứ cao đẹp đầy tình người.

 

- Câu chuyện tâm tình được kể rất giản dị, mộc mạc, giọng thơ thì thầm như đang trò chuyện, giãi bày tâm sự, lời thơ trữ tình, sâu lắng, qua đó, tác giả đã thể hiện những cảm xúc hết sức chân thành. Nhịp thơ chậm, những chữ đầu câu thơ không viết hoa diễn tả dòng suy nghĩ miên man của nhà thơ.

 

c. Khổ thơ thứ tư là một tình huống bất ngờ xảy ra làm chuyển mạch cảm nghĩ của tác giả:

- Lãng quên vô tình có thể là mãi mãi nếu không có một bất ngờ. Hoàn cảnh bài thơ được đẩy đến bước ngoặt mới khi “thình lình đèn điện tắt; phòng buyn - đinh tối om”. Đây là một tình huống rất quen thuộc, rất thực nhưng cũng tình huống ấy đã tạo nên bước ngoặt để tác giả bộc lộ cảm xúc, thể hiện chủ đề tác phẩm.

“Thình lình đèn điện tắt

Phòng buyn-đinh tối om

Vội bật tung cửa sổ

Đột ngột vầng trăng tròn”

 

- Bốn câu thơ với hai từ “thình lình, đột ngột” được đảo trật tự, tạo nên nhịp thơ nhanh, nhấn mạnh sự việc bất thường: “đèn điện tắt, phòng tối om” >< “vầng trăng tròn” tỏa sáng. Tình huống bất ngờ đã tạo nên sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối. Nơi thành phố hiện đại với ánh điện, của gương khiến người ta chẳng mấy khi cần và ít chú ý đến ánh trăng, chỉ đến khi tắt điện thì mới lại có dịp đối diện với “vầng trăng tròn”. Và trong khoảnh khắc bất ngờ từ bóng tối bước ra ánh sáng, người ta không khỏi ngỡ ngàng, bàng hoàng khi nhận ra vầng trăng vẫn tròn như xưa, đẹp đẽ, đầy đặn, vẹn nguyên và không mảy may sứt mẻ. Việc “bật tung cửa sổ” chỉ là một việc làm theo thói quen. Nhưng khi người và trăng mặt nhìn mặt nhau thì tình xưa nghĩa cũ dâng trào lên trọn vẹn, đủ đầy - một sự tình cờ mà như được sắp đặt. Dường như vầng trăng “tròn vành vạch” vẫn luôn đứng bên cửa sổ chờ đợi. Trăng xuất hiện đột ngột đã có sức rung động mạnh mẽ làm thức tỉnh những cảm xúc và đánh thức lương tâm con người.

 

- Đây là khổ thơ quan trọng trong cấu tứ toàn bài. Chính cái khoảnh khắc bất ngờ ấy đã tạo nên bước ngoặt trong mạch cảm xúc của nhà thơ.

 

- Trăng thiên nhiên không phải chỉ khi đèn tắt mới “đột ngột” xuất hiện. “Đột ngột” diễn tả trạng thái cảm xúc thảng thốt, bất ngờ của nhà thơ khi nhận ra trăng vẫn tròn, vẫn toả sáng, vẫn đồng hành cùng con người.

 

2. Hình tượng vầng trăng và cảm xúc, suy ngẫm của nhà thơ:

a. Khổ thơ thứ năm diễn tả sự xúc động mãnh liệt của nhà thơ:

“Ngửa mặt lên nhìn mặt

Có cái gì rưng rưng

Như là đồng là bể

Như là sông là rừng”

 

- Nhà thơ lặng lẽ đối diện với trăng tròn trong tư thế lặng im có phần thành kính: “Ngửa mặt lên nhìn mặt”. Từ “mặt” cuối câu thơ là từ nhiều nghĩa, tạo nên sự đa dạng nghĩa của ý thơ.

 

+ Nhà thơ đối diện với mặt trăng, người bạn tri kỉ mình đã lãng quên, vầng trăng đối diện với con người hay nói cách khác là quá khứ đối diện với hiện tại; thủy chung tình nghĩa đối diện với bạc bẽo, vô tình và lãng quên để tự thú về sự bội bạc của mình.

 

+ Đối diện với trăng, nhà thơ làm thức tỉnh tình cảm lương tâm, con người: như nhìn thấy cả mặt trong đó và tự vấn lương tâm, hổ thẹn, ân hận về sự thay đổi của mình.

 

- Cuộc sống đối thoại không lời trong khoảnh khắc ấy đã làm nhà thơ “rưng rưng” xúc động vì quá khứ vất vả gian lao nhưng tràn ngập niềm vui cùng với thiên nhiên bấy lâu tưởng đã lãng quên bỗng ùa về trong nỗi nhớ. “Rưng rưng” như muốn khóc mà cứ nghẹn ngào.

 

- Cuộc sống hiện tại như ngừng lại để con người soi vào quá khứ, vào một thời mà họ đã lãng quên – soi vào chính mình. Có quá khứ xa và gần, đất nước và quê hương. Thiên nhiên và cuộc sống, lao động và chiến đấu, tập thể và cá nhân. Trăng còn gợi lên hình ảnh của hiện tại sự giàu đẹp, lỗi gian lao vất vả còn phải phấn đấu, niềm tin và hi vọng, sự hùng vĩ của thiên nhiên và sức mạnh của con người trong cuộc sống thông qua một loạt các điệp từ “như là” cùng nhịp thơ dồn dập, các hình ảnh liệt kê: “như là đồng là bể - như là sông là rừng”. Tất cả làm cho người đọc thực sự xúc động và hòa chung cảm xúc với trữ tình của bài thơ.

 

b. Khổ thơ cuối thể hiện sự suy ngẫm sâu sắc và triết lí nhân sinh của nhà thơ qua hình tương trăng.

“Trăng cứ tròn vành vạnh

Kể chi người vô tình

Ánh trăng im phăng phắc

Đủ cho ta giật mình”

 

- Trong cuộc gặp lại không lời này trăng và người như có sự đối lập. Trăng đã trở thành biểu tượng cho sự bất biến, vĩnh hằng không thay đổi. “Trăng cứ tròn vành vạnh” biểu tượng cho sự tròn đầy, thủy chung, trọn vẹn của thiên nhiên, quá khứ, dù cho con người đổi thay “vô tình”.

 

- Ánh trăng còn được nhân hóa “im phăng phắc” không một lời trách cứ, gợi liên tưởng đến cái nhìn nghiêm khắc mà bao dung, độ lượng của người bạn thủy chung, tình nghĩa. Nhắc nhở nhà thơ và mỗi chúng ta: con người có thể vô tình quên nhưng thiên nhiên, tình nghĩa quá khứ thì luôn tròn đầy, bất diệt.

 

- Tình cảm của trăng, tấm lòng của trăng chính là tình cảm của những người đồng chí, đồng đội, của đồng bào, của nhân dân. Sự im lặng ấy làm nhà thơ “giật mình”. Điều đó đã làm thức tỉnh lương tâm nhà thơ, thật đáng trân trọng, nó thể hiện suy nghĩ, trăn trở tự đấu tranh với chính mình để sống tốt hơn. Giật mình để không chìm vào lãng quên. Giật mình để không đánh mắt quá khứ. Con người giật mình trước ánh trăng lặng lẽ là sự thức tỉnh của nhân cách trở về với lương tâm trong sạch, tốt đẹp.

 

- Dòng thơ cuối dồn nén biết bao niềm tâm sự, lời sám hối ăn năn dù không cất lên nhưng chính thế càng trở nên ám ảnh, day dứt.

 

- Qua đó Nguyễn Duy muốn gửi đến mọi người lời nhắc nhở về lẽ sống, về đạo đức lí ân nghĩa thủy chung “Ánh trăng” của Nguyễn Duy gây nhiều xúc động bởi cách diễn đạt bình dị như lời tâm sự, lời tự thú, lời nhắc nhở chân thành. Giọng thơ trầm tĩnh sâu lắng, Tứ thơ bất ngờ mới lạ. “Ánh trăng” có ý nghĩa sâu sắc, khái quát bởi lời nhắn nhủ không chỉ dành riêng cho những người lính chống Mỹ mà nó có ý nghĩa với tất cả mọi người, mọi thời - trong đó có chúng ta.

 

3. Chủ đề bài thơ gợi lên đạo lý, lẽ sống của dân tộc Việt Nam:

- Chủ đề: Từ một câu chuyện riêng, bài thơ cất lên lời tự nhắc nhở thầm thía về thái độ, tình cảm đối với những năm tháng quá khứ gian khổ mà nghĩa tình đối với thiên nhiên, đất nước bình dị.

 

- Gợi lên những suy nghĩ về đạo lí, lẽ sống của con người Việt Nam ta: bài thơ như một câu chuyện riêng nhưng có sức khái quát rất lớn. Nó không chỉ là câu chuyện riêng của nhà thơ, riêng một người mà là của cả một thế hệ đã trải qua những năm dài chiến tranh gian khổ, mất mát, đã từng sống giữa thiên nhiên, sống giữa nhân dân tình nghĩa. Giờ đây sống trong cảnh hòa bình với những tiện nghi đầy đủ, hiện đại, người ta có thể thay đổi, đánh mất quá khứ, đánh mất nghĩa tình để rồi một lúc nào đó lại phải ân hận, ăn năn. Câu chuyện nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ quên quá khứ, đừng bao giờ trở thành những kẻ vô tình, vô nghĩa, bạc bẽo, vô ơn. “Ánh trăng” nằm trong mạch cảm xúc “Uống nước nhớ nguồn” gợi lên đạo lí sống thủy chung đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

 

⭐⭐⭐⭐⭐

StudyCare Education

The more we care - The more you succeed

⭐⭐⭐⭐⭐

  • 🔹 Dạy kèm Toán - Lý - Hóa - Sinh - Văn - Anh theo chương trình phổ thông Quốc Gia và chương trình học các cấp của các trường Quốc Tế.
  • 🔹 Luyện thi chuyển cấp lớp 9 lên lớp 10, luyện thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia, Luyện thi Đại Học.
  • 🔹 Giảng dạy và luyện thi IELTS - TOEIC - TOEFL - PTE - SAT - ACT - GMAT - GRE và các chứng chỉ Quốc Tế.
  • 🔹 Hỗ trợ các loại hồ sơ, thủ tục cấp VISA Du học - Du lịch - Định cư các Quốc gia Châu Âu, Châu Úc, Châu Mỹ.
  • 🔹 Các dịch vụ dịch thuật chuyên nghiệp: dịch thuật chuyên ngành; dịch thuật công chứng; dịch thuật các loại sách, giáo trình.
  • 🔹 Hoạt động hỗ trợ học thuật chuyên môn cao: cung cấp số liệu, dữ liệu khoa học; xử lý các mô hình Toán bằng phần mềm chuyên dụng; cung cấp các tài liệu điện tử có bản quyền: sách chuyên ngành, các bài báo khoa học.

⭐⭐⭐⭐⭐

Công ty CP Đầu tư Phát triển Giáo dục StudyCare (MST 0313301968)

⭐⭐⭐⭐⭐

📌 72/53 Nguyễn Văn Thương, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP.HCM

☎ Điện thoại: (028).353.66566

📱 Zalo: 098.353.1175

📋 Brochure: https://goo.gl/brochure

📧 Email: hotro@studycare.edu.vn

🏡 Location: https://goo.gl/maps/studycare

🌐 Visit us online: https://qrco.de/studycare

popup

Số lượng:

Tổng tiền: