AI ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG ? - Hoàng Phủ Ngọc Tường
Tổng hợp và biên soạn:
Ms. Đặng Thiên Thanh
Lecturer and Content Marketing Specialist Digital Marketing Department | StudyCare
Bachelor in Business Administration, Vietnam – Japan Institute of Technology, Ho Chi Minh City University of Technology
Bachelor in English Language & Literature, Hanoi Open University
A. KHÁI QUÁT VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM
1. Tác giả:
Hoàng Phủ Ngọc Tường là một nhà tri thức yêu nước, gắn bó mật thiết với xứ Huế mộng mơ. Ông có vốn hiểu biết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Ông là nhà văn chuyên viết về bút ký. Những sáng tác của Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn có sự kết hợp nhuần nhuyễn và nhịp nhàng giữa trí tuệ và trữ tình, giữa nghị luận và tư duy đa chiều với lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và đầy tài hoa. Tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là bút ký “Ai đặt tên cho dòng sông?”. Trong tác phẩm này, nhà văn đã miêu tả được rất cụ thể và sinh động vẻ đẹp của dòng sông Hương.
2. Tác phẩm:
Bút ký “Ai đặt tên cho dòng sông?” là một trong những bài tùy bút đặc sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường, được viết ở Huế vào dịp tiết Cốc Vũ ngày 04.01.1981. Sau đó được in trong tập bút kí cùng tên (1986). Tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp thơ mộng, huyền ảo của dòng sông Hương
B. PHÂN TÍCH TÁC PHẨM
1. Vẻ đẹp của dòng sông Hương qua cảnh sắc thiên nhiên:
Khác với nhiều con sông, “sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất”, nghĩa là sông Hương gắn liền với Huế. Sông Hương nhìn từ cội nguồn là dòng chảy có mối quan hệ sâu sắc với dãy Trường Sơn. Nó “hùng vĩ với sức sống mãnh liệt, hoang dại”, nó là “một bản trường ca của rừng già” với nhiều tiết tấu hùng tráng dữ dội “rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn”, bằng biện pháp nghệ thuật nhân hóa “giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di – gan phóng khoáng và man dại”. Tác giả kết luận “rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng”. Sông Hương dịu dàng và say đắm “giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”. Ra khỏi rừng, sông thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở. Tất cả đều nói lên chất nữ tính vừa dịu dàng, e lệ, vừa mãnh liệt, hoang sơ. Ở đoạn này, nhà văn đặc biệt khám phá vẻ đẹp tâm hồn mà dòng sông tưởng chừng vẫn còn ngại ngùng chưa dám bộc lộ với bất kì ai. Sông Hương qua góc nhìn của tác giả đã được thổi hồn bằng ngọn gió tâm hồn dào dạt nhạy cảm, liên tưởng tự do để càng mạnh mẽ hơn, đắm say hơn ở khu vực thượng nguồn.
2. Sông Hương trong mối quan hệ với thành phố Huế:
Sông Hương ở cạnh Huế như một người tình. Hành trình sông về với Huế được ví như “cuộc tìm kiếm người tình trong mộng”. Giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại, xứ Huế là “người con gái đẹp nằm ngủ mơ màng” chờ sông Hương đến đánh thức. Hình ảnh này gợi cho ta nhớ đến câu truyện cổ “Công chúa ngủ trong rừng”. Trước khi gặp Huế, từ ngã ba Tuần đến đồi Thiên Mụ, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn. Ra khỏi vùng núi, sông chuyển dòng liên tục. Với tư cách chuyên gia địa lý, Hoàng Phủ Ngọc Tường xem xét hướng chảy của sông, rồi mô tả nó bằng ngôn ngữ huyền diệu của nhà tùy bút. Khi thì “sông uốn mình theo những đường cong thật mềm”, lúc lại chủ động “vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc…”. Lúc chảy qua Vọng Cảnh, Tam Thai,… sông Hương “mềm như tấm lụa”. Đến với những dãy đồi phía tây nam, sông ánh lên “sắc màu kì ảo: sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”.
Qua lăng tẩm các vua chúa triều Nguyễn, sông bộc lộ “vẻ đẹp trầm mặc” “như triết lý, như cổ thi”. Đó quả thực là những phép so sánh độc đáo. Không miêu tả trực tiếp con sông, tác giả mở rộng tầm nhìn sang hai bên bờ: “giữa đám quần sơn lô xô ấy, là giấc ngủ nghìn năm của các vua chúa được phong kín trong lòng những rừng thông u tịch…”. Hoàng Phủ Ngọc Tường còn trích dẫn cả thơ cổ để khắc họa vẻ kiêu hãnh, âm u của khu lăng tẩm đồ sộ:
“Bốn bề núi phủ mây phong
Mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng Vạn Niên”
Miêu tả mặt nước phẳng lặng và đôi bờ u tịnh, tác giả làm nổi bật vẻ đẹp thâm nghiêm, ngàn năm không thay đổi của dòng sông. Ẩn sau từng con chữ là “cái tôi” nghệ thuật rất riêng của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
3. Vẻ đẹp của sông Hương bên cạnh thành phố Huế và nỗi lưu luyến của dòng sông khi rời khỏi kinh thành:
Giữa đôi bờ bãi xanh biếc ở ngoại ô Kim Long, sông Hương vui tươi hẳn lên tựa như tâm trạng nao nức, bồi hồi của người đi xa “tìm đúng đường về”. Giáp mặt thành phố, uốn một cánh cung rất nhẹ, dòng sông mềm mại như “một tiếng vâng không nói ra của tình yêu”. Đây là một phép so sánh lạ, không dễ để có thể bắt gặp lại lần thứ hai. Tác giả đã dùng tiếng “vâng” e ấp, ngập ngừng, ý vị, kín đáo, thiêng liêng trên đôi môi cô gái đang yêu để miêu tả hình dáng dịu dàng, uyển chuyển của sông Hương. Kế đó là những liên tưởng, so sánh, suy tư để miêu tả về dòng sông thơ mộng bên cạnh thành phố Huế trữ tình.
Cũng như Nguyễn Trãi đặt các triều đại của Việt Nam ngang hàng với các vương triều Trung Hoa, Chủ tịch Hồ Chí Minh so sánh Tổng khởi nghĩa tháng Tám với hai cuộc cách mạng ở Mỹ và Pháp, khi miêu tả sông Hương, Hoàng Phủ Hoàng Tường liên tưởng đến sông Xen (Paris), sông Đa-nuýp (Ba-đa-pét), sông Nê-va (Pê-téc-pua) – những biểu tưởng văn hóa của ba quốc gia lớn ở Châu Âu. Từ đó, ta có thể thấy được lòng tự hào về sông Hương, về thành phố Huế của tác giả. Đặt lên bàn cân so sánh trực tiếp với những dòng sông nổi tiếng của các thành phố khác, nhà văn mong muốn làm nổi bật và khắc họa được vẻ đẹp riêng của dòng sông Hương. Cũng giống những dòng sông thơ mộng chảy giữa lòng thành phố khác, thế nhưng cho đến tận bây giờ, Huế vẫn giữ nguyên dạng một đô thị cổ. Chính điều này đã làm nổi bật lên hình ảnh của sông Hương. Sự nổi bật ấy có thể được cảm nhận bằng mắt qua trăm nghìn ánh hoa đăng bồng bềnh, ngập ngừng vừa muốn trôi đi, vừa muốn được níu giữ ở lại, chao nhẹ lửng lờ trên mặt nước sông Hương đêm lễ Vu Lan.
Khi rời khỏi kinh thành, như sực nhớ đến điều gì chưa kịp nói, sông Hương bỗng đột ngột đổi dòng với mong muốn được gặp lại thành phố lần cuối. Đó là điều rất mới lạ của tự nhiên và có phần rất giống với tính cách của con người nơi đây – có nỗi vấn vương còn sót lại, có chút lẳng lơ tình tứ, pha lẫn với nét kín đáo e ấp của tình yêu. Tác giả đã so sánh mối quan hệ giữa sông Hương – kinh thành Huế, với mối tình Thúy Kiều – Kim Trọng. Cũng giống như nàng Kiều, sông Hương dù trải qua bao khúc khuỷu, thăng trầm, rồi nó vẫn sẽ quay về với Huế, như Kiều rồi cũng về với Kim Trọng. Giống như một lời thề nguyện vẫn còn vang vọng mãi qua giọng hò dân gian: “Còn non, còn nước, còn dài, còn về, còn nhớ…”. Qua các chi tiết nghệ thuật trên, tác giả đã làm nổi bật tấm chân tình thủy chung của sông Hương với người dân xứ Huế.
4. Vẻ đẹp của sông Hương được khám phá dưới góc nhìn văn hóa và gắn liền với những sự kiện lịch sử:
Tác giả khẳng định có một dòng thi ca riêng về sông Hương. Tản Đà, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan, Tố Hữu,… đều đã từng có những dòng thi ca riêng về sông Hương. Đó là dòng sông không lặp lại mình: “Dòng sông trắng – lá cây xanh” (Chơi xuân – Tản Đà), “Như kiếm dựng trời xanh” (Trường Giang như kiếm lập thanh thiên – Cao Bá Quát), “Con sông dùng dằng, con sông không chảy. Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu” (Thơ của Thu Bồn).
Tác giả gắn sông Hương với âm nhạc cổ điển Huế: “Trong khoảng khắc chùng lại của sông nước”, sông Hương thành “người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya”. Sông là cội nguồn làm nên vẻ đẹp âm nhạc cổ điển Huế, vẻ đẹp của Truyện Kiều. Về mặt văn hóa, sông Hương có thể sánh cùng sông Nile, sông Hằng, sông Hoàng Hà – những cái nôi hình thành nên các nền văn hóa lớn trên thế giới. Cũng như Đà Giang, sông Hương chảy qua nhiều địa danh – nhưng mỗi địa danh ở đây đều gắn với một di tích văn hóa. Theo không gian xuôi về biển, vẻ đẹp sông Hương được khám phá ở nhiều góc nhìn khác nhau. Trong đó có góc nhìn về văn hóa, lịch sử.
Tác giả đã điểm qua từng dấu ấn của sông Hương trong dòng lịch sử dân tộc: Thế kỉ XV, sông Hương còn là nơi biên thùy xa xôi chiến đấu oanh liệt bảo vệ phía Nam Tổ quốc. Thế kỉ XVIII, dòng sông soi bóng kinh thành Huế và người anh hùng Nguyễn Huệ. Thế kỉ XIX là thời kì bi tráng của dòng sông Hương. Xuôi theo dòng nước chảy là máu của biết bao cuộc khởi nghĩa. Đến Cách mạng Tháng Tám, sông Hương một lần nữa chứng kiến những chiến công rung chuyển đất trời (Xuân Mậu Thân).
Sông Hương là dòng sông của thời gian, là chứng nhân của lịch sử anh hùng, là cuốn sử thi viết giữa màu cỏ lá, giữa màu trời xanh biên biếc. Khi nghe lời gọi của non sông, sông Hương lẳng lặng kề vai chiến đấu bên những chiến sĩ, góp chút sức mình bảo vệ vững chắc non sông gấm vóc. Khi về với đời thường, nó lại dịu dàng, e ấp như người thiếu nữ mỗi sớm mùa xuân. Nếu ở đoạn một và hai, sông Hương được cảm nhận theo không gian địa lý thì ở đây, nó hiện lên qua chiều sâu lịch sử, gắn liền với từng chiến công và hy sinh thầm lặng. Nó trở thành một tấm gương phản chiếu lịch sử, gắn liền với lịch sử của Huế, của dân tộc.
5. Nhận xét nghệ thuật:
Tác giả đã cảm nhận vẻ đẹp của sông Hương bằng chính cả tâm hồn và tình yêu của mình, khiến nó trở nên lung linh, đa dạng, tồn tại sống động như một con người. Sự liên tưởng, tưởng tượng phong phú cộng với sự uyên bác về các phương diện địa lý, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đã tạo nên một áng văn xuất sắc về sông Hương. Ngôn ngữ trong bài cũng phong phú, đa dạng, giàu hình ảnh, màu sắc, bộc lộ cảm xúc chân thành. Các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, nhân hóa được sử dụng liền mạch. Có sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ, giữa chủ quan và khách quan. Chủ quan là sự trải nghiệm của bản thân. Khách quan là đối tượng miêu tả - dòng sông Hương. Hình tượng sông Hương mang nhiều vẻ đẹp được khắc họa rất đặc sắc. Từ đó, có teher cảm nhận được tình yêu tha thiết, sâu lắng và niềm tự hào lớn lao mà tác giả dành cho dòng sông quê hương, dành cho xứ Huế thân thương.
𝐒𝐮𝐛𝐬𝐜𝐫𝐢𝐛𝐞 𝐮𝐬 𝐨𝐧 𝐘𝐨𝐮𝐓𝐮𝐛𝐞
https://www.youtube.com/channel/UCDToQcZaZi0YAjAPxvv9S8g
👍 𝐅𝐨𝐥𝐥𝐨𝐰 𝐮𝐬 𝐨𝐧 𝐅𝐚𝐜𝐞𝐛𝐨𝐨𝐤
https://www.facebook.com/GiaSuThanhThang
👍 𝐉𝐨𝐢𝐧 𝐨𝐮𝐫 𝐨𝐟𝐟𝐢𝐜𝐢𝐚𝐥 𝐦𝐞𝐝𝐢𝐚 𝐜𝐡𝐚𝐧𝐧𝐞𝐥𝐬 𝐚𝐧𝐝 𝐬𝐭𝐚𝐲 𝐮𝐩𝐝𝐚𝐭𝐞𝐝
*****
Gia Sư Thành Thắng | StudyCare
The more we care - The more you succeed
- Dạy kèm Toán - Lý - Hóa - Sinh - Văn - Anh theo chương trình phổ thông Quốc Gia và chương trình học các cấp của các trường Quốc Tế.
- Luyện thi chuyển cấp lớp 9 lên lớp 10, luyện thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia, Luyện thi Đại Học.
- Giảng dạy và luyện thi IELTS - TOEIC - TOEFL - PTE - SAT - ACT - GMAT - GRE và các chứng chỉ Quốc Tế.
📌 72/53 Nguyễn Văn Thương, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP.HCM (click to see us on GG map)
Website: https://studycare.edu.vn/
Điện thoại: (028).353.66566
Zalo: 098.353.1175
Brochure: https://drive.google.com/file/d/1nUbv7rFdBNRDXDRd5nw2IHRNE-7QSLDn/view?usp=sharing