TỰ TÌNH (BÀI II) - HỒ XUÂN HƯƠNG

TỰ TÌNH (BÀI II) - HỒ XUÂN HƯƠNG

16/10/2021 CÔNG TY CP ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC STUDYCARE 0 Bình luận

TỰ TÌNH (Bài II) - Hồ Xuân Hương

Tổng hợp và biên soạn:

Ms. Đặng Thiên Thanh

Lecturer and Content Marketing Specialist | Digital Marketing Department | StudyCare

Bachelor in Business Administration, Vietnam – Japan Institute of Technology, Ho Chi Minh City University of Technology

Bachelor in English Language & Literature, Hanoi Open University

A. KIẾN THỨC CƠ BẢN

I. Tác giả:

- Hồ Xuân Hương (không rõ năm sinh, năm mất), quê làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, sống chủ yếu ở kinh thành Thăng Long.

 

- Bà là một người con gái xinh đẹp, có tài, đi nhiều nơi, giao du rộng rãi. Tuy vậy, cuộc đời và tình duyên của Hồ Xuân Hương lại có nhiều éo le, ngang trái. Bà sống vào thời cuối nhà Lê đầu nhà Nguyễn, khi chế độ phong kiến đang suy tàn, chứng kiến nhiều biến động của xã hội, thấu hiểu được những đau khổ, thiệt thòi của người phụ nữ xưa.

 

- Sự nghiệp sáng tác: chữ Hán, chữ Nôm (Trên dưới 40 bài thơ Nôm, tập Lưu hương kí). Bà là nhà thơ chuyên viết về phụ nữ, trào phúng mà trữ tình, đậm chất văn học dân gian. Tác phẩm của Hồ Xuân Hương là tiếng nói thương cảm của bà dành cho người phụ nữ thời xưa, khẳng định và đề cao vẻ đẹp, khát vọng của họ.

 

- Hồ Xuân Hương được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm.

 

II. Tác phẩm:

1. Hoàn cảnh sáng tác:

Tự tình (Bài II) nằm trong chùm thơ Tự tình gồm 3 bài. Bài thơ được viết theo thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật (kết cấu gồm 4 phần: Đề, Thực, Luận, Kết).

 

2. Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật:

Giá trị nội dung: Tự tình là tiếng thở dài ngao ngán về nỗi buồn và sự cô đơn vì tình duyên không trọn vẹn, tâm trạng chua xót, bẽ bàng, cay đắng, khát khao hạnh phúc. Phê phán những hủ tục phong kiến (chế độ đa thê, trọng nam khinh nữ). Ca ngợi, tôn trọng, cảm thông với những bất hạnh của người phụ nữ xưa.

 

Giá trị nghệ thuật: Tác giả sử dụng từ ngữ gần gũi với cuộc sống, thể thơ Đường luật chặt chẽ, gần gũi, dễ hiểu. Phong cách thơ mạnh mẽ, táo bạo, vận dụng tài tình văn học dân gian.

 

3. Nhận xét:

“Thơ của Hồ Xuân Hương không đài các như thơ Bà Huyện Thanh Quan, cũng không bác học và đau đáu nỗi đoạn trường cùng thập loại chúng sinh như Nguyễn Du. Cũng chẳng quý phái vàng son tới từng câu chữ như chạm như khắc của Nguyễn Gia Thiều. Thơ Hồ Xuân Hương chỉ có thể sánh với lời ăn tiếng nói của dân gian, chân thực mà sâu lắng đến vô ngần.”

 

B. ĐỌC HIỂU TÁC PHẨM

1. Hai câu đề:

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,

Trơ cái hồng nhan với nước non.

 

* Cảm nhận về thời gian, không gian:

 

- Thời gian: “đêm khuya” là khoảng thời gian con người đối diện với chính mình trong những suy tư, trăn trở, băn khoăn.

 

- Không gian: được thể hiện gián tiếp qua từ láy “văng vẳng”, vừa diễn tả âm thanh của tiếng trống cầm canh, đồng thời thể hiện không gian vắng lặng, yên tĩnh đến hiu quạnh.

 

⇒ Nghệ thuật lấy động tả tĩnh, tả cảnh ngụ tình.

 

- Trong không gian ấy, con người trở nên cô đơn và lẻ loi.

 

- Tiếng “trống canh dồn”: dường như nhân vật trữ tình đã cảm nhận được bước đi vội vã, hối hả, gấp gáp như giục giã, thôi thúc của thời gian qua nhịp điệu dồn dập, liên hồi của tiếng trống canh.

 

⇒ Đó cũng chính là tâm trạng rối bời, vừa lo âu, vừa buồn bã của con người, ý thức được dòng chảy của thời gian và sự hữu hạn của đời người.

 

* Ý thức về cảnh ngộ:

 

- Đảo động từ “trơ” lên đầu câu + nhịp thơ 1/3/3, tác giả nhấn mạnh sự tủi hổ, xót xa, và bẽ bàng của thân phận. Nhân vật trữ tình càng trở nên cô đơn và trơ trọi hơn bao giờ hết.

 

- Sự kết hợp độc đáo của từ ngữ “cái” - “hồng nhan”: từ “cái” là từ thuần Việt mang sắc thái bình thường, cụ thể, nay kết hợp với từ Hán Việt “hồng nhan” để chỉ người con gái đẹp với sắc thái trang trọng thì thật là rẻ rúng, mỉa mai.

 

- Thủ pháp đối: “cái hồng nhan” với “nước non” - thể hiện sự kiên cường, bền bỉ thách thức của cá nhân trước cuộc đời, số phận. (Liên hệ với câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan: “Đá cũng trơ gan cùng tuế nguyệt”).

 

⇒ Câu thơ thứ hai chỉ nói đến một vế “hồng nhan” nhưng vẫn có thể gợi lên cho người đọc vế còn lại: “bạc phận”. Đây chính là nỗi đau đớn, xót xa của Hồ Xuân Hương (Liên hệ với tình cảnh bị bỏ rơi không chút đoái thương của nàng Kiều: “Đuốc hoa để đó mặt nàng còn trơ”).

 

⇒ Tâm trạng cô đơn, buồn tủi, bẽ bàng nhưng cũng hé mở bản lĩnh của Hồ Xuân Hương.

 

2. Hai câu thực:

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

 

- Như một lẽ tự nhiên, khi buồn tủi, cô đơn, người xưa thường nâng chén rượu để tiêu sầu nhưng nỗi niềm tâm sự của thi nhân khi tìm đến men rượu không những không tiêu sầu mà còn càng sầu thêm, bởi “say” rồi “lại tỉnh”, sau mỗi lần tỉnh lại, lại thấm thía nỗi đau duyên phận.

 

- “Lại”: là sự quay lại, trở lại. Cụm từ “say lại tỉnh” gợi ra cái vòng luẩn quẩn, không lối thoát. Tình duyên nay đã trở thành trò đùa của tạo hóa, quay đi quẩn lại, đều là sự bế tắc của tâm trạng, của hoàn cảnh, của số phận.

 

⇒ Tâm trạng chán nản, thất vọng.

 

- Nếu chén rượu nồng không giúp con người quên đi nỗi buồn thì còn có vầng trăng. Bởi từ xưa đến nay, trăng luôn là người bạn tri kỷ của thi ca nghệ thuật. Nhưng ở đây, người bạn tri kỷ ấy cũng không thể làm vơi đi nỗi buồn chất chứa trong lòng người thi sĩ.

 

- Hình ảnh “vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn” là hình ảnh tả thực và cũng là hình ảnh tượng trưng. “Vầng trăng bóng xế” là khi trăng đã sắp tàn mà vẫn chỉ là một vầng trăng khuyết - “khuyết chưa tròn”. Tựa như tuổi xuân của nhân vật trữ tình đã trôi qua mà nhân duyên lại không được trọn vẹn.

 

⇒ Hương rượu còn đọng lại vị đắng chát, hương tình vẫn thoảng qua, chỉ còn lại phận hẩm duyên ôi. Có thể đây chính là cảm nhận về cuộc đời, duyên phận của Bà chúa thơ Nôm.

 

⇒ Tâm trạng xót xa, cay đắng cho duyên phận dở dang, lỡ làng.

 

3. Hai câu luận:

Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn

 

- Nghệ thuật đảo ngữ làm nổi bật lên sự phẫn uất của thiên nhiên “xiên, đâm”, của tâm trạng.

 

- Những sinh vật nhỏ bé, hèn mọn như đám “rêu” kia cũng không chịu mềm yếu. Nó phải mọc lên khỏi mặt đất, lại còn phải gắng gượng xiên ngang mặt đất để vươn lên, khẳng định sự tồn tại của bản thân.

 

- “Đá” vốn phải rắn chắc, nay còn phải cố vươn mình nhọn hoắt lên để “đâm toạc chân mây”, thể hiện cá tính mạnh mẽ, sự bướng bỉnh, ngang ngạnh, phản kháng của cỏ cây, đất đá.

 

- Tất cả không chỉ thể hiện cho sự phẫn uất mà còn là phản kháng.

 

- Hồ Xuân Hương rất tài năng trong việc sử dụng các từ làm định ngữ và bổ ngữ, “rêu từng đám”, “đá mấy hòn”. Do vậy, cảnh vật thiên nhiên trong thơ Hồ Xuân Hương bao giờ cũng sinh động, căng tràn sức sống, cho dù đang ở trong tâm trạng buồn đau, bi thương nhất.

 

⇒ Thái độ không chấp nhận hoàn cảnh, mong muốn vượt lên trên số phận, khao khát được sống và được hạnh phúc.

 

4. Hai câu kết:

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con.

 

- Xuân Hương dám thách thức duyên phận, gắng gượng vươn lên nhưng cuối cùng vẫn rơi vào bi kịch cô đơn.

 

- “Ngán”: sự chán ngán, ngán ngẩm. Dường như hiện ra một Xuân Hương mệt mỏi, chán chường trước duyên phận éo le, bẽ bàng.

 

- “Xuân” là từ đa nghĩa: nghĩa thứ nhất chỉ mùa xuân; nghĩa thứ hai chỉ tuổi xuân. Mùa xuân của thiên nhiên thì tuần hoàn, vĩnh cửu; còn tuổi xuân của đời người thì khi đã qua thì sẽ không trở lại bao giờ.

 

- Từ “lại” trong cụm từ “xuân đi xuân lại lại” mang hai nghĩa khác nhau: từ “lại” thứ nhất mang ý nghĩa thêm lần nữa, chỉ sự lặp lại. Từ “lại” thứ hai có nghĩa là trở lại. Như vậy, sự trở lại của mùa xuân đồng nghĩa với sự ra đi của tuổi xuân.

 

⇒ Bà chúa thơ Nôm đã cảm nhận sâu sắc được sự chảy trôi của thời gian, của đời người với biết bao xót xa, nuối tiếc.

 

(Liên hệ với cảm nhận về thời gian trong thơ của Xuân Diệu: “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua / Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già / Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất / Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật / Không cho dài thời trẻ của nhân gian…”

Hay như trong thơ của Xuân Quỳnh: “Thời gian như là gió / Mùa đi cùng tháng năm / Tuổi theo mùa đi mãi / Chỉ còn em và anh…”)

 

- Thủ pháp nghệ thuật tăng tiến: “Mảnh tình” - “san sẻ” - “tí” - “con con” nhấn mạnh vào sự nhỏ bé dần, làm cho nghịch cảnh càng éo le hơn. “Mảnh tình” đã bé lại còn “san sẻ”, thành ra ít ỏi, chỉ còn lại “tí con con” nên càng xót xa, tội nghiệp. (Liên hệ so sánh với hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan để thấy được nỗi xót xa của nữ thi sĩ).

 

- Âm điệu và nhịp điệu của hai câu thơ này tựa như một tiếng thở dài, buông xuôi theo dòng đời.

 

- Hai câu thơ trên được viết ra từ tâm trạng của một người phụ nữ gặp nhiều trắc trở, éo le, trái ngang trong tình duyên: hai lần mang thân đi làm vợ lẻ, và cả hai lần hạnh phúc đều ra đi quá nhanh. Tuy nhiên, tầm khái quát của câu thơ lại lớn hơn cái hoàn cảnh lấy chồng chung. Nó là cảnh ngộ và tâm trạng của nữ thi sĩ: càng khao khát hạnh phúc bao nhiêu lại càng thất vọng bấy nhiêu, mơ ước càng lớn, thực tại càng mỏng manh, phũ phàng. Đó cũng là nỗi lòng của người phụ nữ trong xã hội xưa, khi với họ, hạnh phúc luôn là một tấm chăn quá hẹp.

 

⇒ Tâm trạng buông xuôi, bất lực, bế tắc, cô đơn tột cùng, gắng vượt lên nhưng lại rơi vào bi kịch, vì cả hai điều ấy mà ý nghĩa nhân văn của bài thơ càng sâu sắc hơn.

 

5. Tổng kết:

Bài thơ thể hiện tâm trạng, thái độ của Hồ Xuân Hương: vừa đau buồn, vừa phẫn uất trước duyên phận, gắng vươn lên nhưng rồi cuối cùng vẫn rơi vào bi kịch. Bài thơ cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc và tài năng độc đáo của Bà chúa thơ Nôm trong nghệ thuật sử dụng từ ngữ và xây dựng hình ảnh.

 

⭐⭐⭐⭐⭐

StudyCare Education

The more we care - The more you succeed

⭐⭐⭐⭐⭐

  • 🔹 Bồi dưỡng Toán - Lý - Hóa - Sinh - Văn - Anh theo chương trình phổ thông Quốc Gia và chương trình học các cấp của các trường Quốc Tế.
  • 🔹 Luyện thi chuyển cấp lớp 9 lên lớp 10, luyện thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia, Luyện thi Đại Học.
  • 🔹 Giảng dạy và luyện thi IELTS - TOEIC - TOEFL - PTE - SAT - ACT - GMAT - GRE và các chứng chỉ Quốc Tế.
  • 🔹 Hỗ trợ các loại hồ sơ, thủ tục cấp VISA Du học - Du lịch - Định cư các Quốc gia Châu Âu, Châu Úc, Châu Mỹ.
  • 🔹 Các dịch vụ dịch thuật chuyên nghiệp: dịch thuật chuyên ngành; dịch thuật công chứng; dịch thuật các loại sách, giáo trình.
  • 🔹 Hoạt động hỗ trợ học thuật chuyên môn cao: cung cấp số liệu, dữ liệu khoa học; xử lý các mô hình Toán bằng phần mềm chuyên dụng; cung cấp các tài liệu điện tử có bản quyền: sách chuyên ngành, các bài báo khoa học.

⭐⭐⭐⭐⭐

Công ty CP Đầu tư Phát triển Giáo dục StudyCare

MST 0313301968

⭐⭐⭐⭐⭐

📌 72/53 Nguyễn Văn Thương, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP.HCM

☎ Điện thoại: (028).353.66566

📱 Zalo: 098.353.1175

📋 Brochure: https://goo.gl/brochure

📧 Email: hotro@studycare.edu.vn

🏡 Location: https://goo.gl/maps/studycare

🌐 Visit us online: https://qrco.de/studycare

popup

Số lượng:

Tổng tiền: