TÂY TIẾN – QUANG DŨNG
(phần 2)
Bài soạn của cô Đặng Thiên Thanh - Gia Sư Thành Thắng
Nhấn để xem phần 1 tại: TÂY TIẾN – QUANG DŨNG (phần 1)
II. ĐỌC HIỂU
2) Đoạn 2 (từ câu 15 đến câu 22): Những kỉ niệm tuyệt đẹp về tình quân dân trong đêm liên hoan và vẻ đẹp thơ mộng của một vùng sông nước
a. Kỉ niệm đêm liên hoan giữa núi rừng
- Trong bài thơ Bao giờ trở lại, Hoàng Trung Thông từng miêu tả việc dừng chân bên xóm nhỏ của đoàn quân
“Các anh về mái ấm nhà vui
Tiếng hát câu cười
Rộn ràng xóm nhỏ
Các anh về tưng bừng trước ngõ
Lớp lớp đàn em hớn hở theo sau
Mẹ già bịn rịn áo nâu
Vui đàn con ở rừng sâu mới về
…
Nồi cơm nấu dở
Bát nước chè xanh
Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau.”
Khung cảnh đầm ấm ấy sang Tây Tiến bỗng bừng lên một sức sống thật đặc biệt. Quang Dũng không miêu tả một kỉ niệm ấm áp, mộc mạc, thâm tình quân dân, mà lại nhấn mạnh với ta về cảm xúc lâng lâng khi lần đầu tiên người lính đến với đêm hội liên hoan núi rừng.
- Câu thơ đầu tiên của đoạn nhắc ta nhớ đến câu đầu trong Từ ấy của Tố Hữu:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”
Từ “bừng” diễn tả một trạng thái đột ngột chuyển từ tối sang rực sáng lên, nhưng từ “bừng” còn gây ấn tượng với người đọc vì nó không chỉ miêu tả ánh sáng mà còn thể hiện bước chuyển cảm xúc của con người. Trong dòng thơ đầu tiên này, “đuốc” là âm có thanh điệu cao nhất, khiến người đọc có cảm giác ánh sáng này rực lên khắp không gian, thời gian và khơi gợi ở người lính bao nhiêu xúc cảm. So với Tố Hữu trong bài Việt Bắc:
“Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan”
Ta nhận ra dường như khung cảnh trong bài thơ Tây Tiến đã gây nên một ấn tượng đậm nét hơn. Câu cảm “kìa em” miêu tả lại tất cả sự ngỡ ngàng, vui sướng khi người lính bắt gặp hình ảnh người con gái núi rừng giờ đây lộng lẫy trong chiếc áo xiêm rực rỡ. Tiếng “khèn” vang lên trở thành một âm thanh rất đặc biệt, nó cất lên từ từ, nhẹ nhàng; và theo tiếng nhạc là vũ điệu núi rừng e ấp, là bao nhiêu cảm xúc cất lên rồi theo điệu nhạc bay rất cao, vang rất xa. Tiếng nhạc ấy và cảm xúc của người lính đã nối lại bao nhiêu địa danh, hóa xa thành gần, biến lạ thành quen, để rồi tâm hồn người lính lãng mạn nhiều say đắm dệt mộng, hòa thơ cùng những miền đất xa xôi.
- Đêm hội núi rừng được tái hiện lại như một sự cộng hưởng giữa âm thanh, đường nét, màu sắc và ánh sáng. Nhưng gây ấn tượng đậm nét nhất chính là cảm xúc thăng hoa của người lính, là bao nhiêu nỗi lòng tha thiết cất lên cùng vũ điệu, cùng ánh đuốc, cùng tiếng nhạc lâng lâng.
b. Vẻ đẹp thơ mộng của một vùng sông nước
- Không khí được gợi ra man mác mơ hồ với hai yếu tố “chiều sương” và “hồn lau”. Chính khung cảnh này đã tạo nên cảm xúc vừa bâng khuâng vừa lắng đọng khi nhớ về chặng đường đã qua.
- Có một sự xáo trộn ngôn từ khi nhà thơ kết hợp “có thấy” với “hồn lau”, “có nhớ” với “dáng người” – những gì cụ thể lại đi với yếu tố mơ hồ và ngược lại. Có chăng đến đây, câu chữ không sắp xếp theo quy luật của ngôn từ mà lại ào ạt tuôn ra theo cảm xúc của con người để đong cho đầy, chất chứa cho hết bao nhiêu hoài niệm thiết tha.
- Những sự vật liên tiếp được miêu tả với những đường nét mảnh, nhỏ nhắn, như muốn nói với ta khi nhớ về đêm hội cảm xúc bừng lên mãnh liệt bao nhiêu thì đến đây lắng lại tha thiết, nhẹ nhàng bấy nhiêu. Chỉ một từ “đong đưa” nhưng nó không chỉ diễn tả duy nhất một dáng hoa trôi xuôi dòng nước lũ mà còn chứa đựng trong đó biết bao cảm xúc và ánh nhìn tha thiết của người lính.
- Có cảm giác đoạn thơ chỉ là những nét phác thảo nhạt nhòa nhưng đằng sau đó thể hiện cụ thể bao nhiêu kỷ niệm đang sống dậy trong lòng người lính.
3) Đoạn 3 (từ câu 23 đến câu 30): Khắc họa chân dung người lính Tây Tiến
a. Chân dung
b. Tâm hồn hào hoa, lãng mạn, kiêu hùng
- Quang Dũng đã miêu tả lại vẻ đẹp tâm hồn người lính thông qua hai yếu tố: ánh mắt quyết tâm và nỗi nhớ Hà Nội (một trái tim – hai nhịp đập). Nếu ánh mắt hướng về biên giới canh chừng quân giặc nói lên được sự lý trí, trách nhiệm, thì nỗi niềm hướng về Hà Nội đong đầy không biết bao nhiêu xúc cảm.
- Chiến đấu xa nhà, người lính mang theo nỗi nhớ quê hương là điều rất bình thường:
“Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính” (Đồng chí ~ Chính Hữu)
“Ba năm rồi gửi lại quê hương
Mái lều gianh,
Tiếng mõ đêm trường,
Luống cày đất đỏ
Ít nhiều người vợ trẻ
Mòn chân bên cối gạo canh khuya”
(Nhớ ~ Hồng Nguyên)
Nỗi nhớ mà Chính Hữu và Hồng Nguyên thể hiện rất đặc trưng cho người lính xuất thân từ nông thôn (những con người nông dân chất phác), nỗi nhớ ấy vô cùng giản dị, mộc mạc; khác hẳn với nỗi nhớ quê nhà của người lính xuất thân từ tầng lớp học sinh, sinh viên trong Tây Tiến.
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.”
- Đời sống nội tâm của họ phức tạp hơn, phong phú hơn nên nỗi nhớ của họ cũng lãng mạn, đa dạng hơn. Câu thơ này một thời cũng từng bị phê phán là “tiểu tư sản, mộng rớt, buồn rớt”, từng bị cho là ủy mị, thiếu tinh thần chiến đấu, nhưng sau này, Tố Hữu trong Việt Bắc có viết:
“Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về”
Hay như Nguyễn Đình Thi từng viết trong Đất nước:
“Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”
- Như vậy, đừng nên phê phán hoặc lên án, vì cần hiểu rằng dù nỗi nhớ quê nhà hay nỗi nhớ người yêu thì thực chất cũng đều là động lực chiến đấu của người lính, đều là những tình cảm rất đỗi bình thường của con người. Hơn thế, có lẽ “dáng kiều” còn là hình ảnh của một Hà Nội thướt tha, dịu dàng, nhẹ nhàng, quyến rũ, luôn in đậm trong tâm trí những người con xa nhà. Chính vì vậy mà Quang Dũng mới viết lên cụm từ “dáng kiều thơm” – mượn ở chữ “thơm” sự lan tỏa mênh mông của nó để diễn tả sự hoài niệm, òng nhung nhớ đang tràn ngập khắp tâm hồn người lính.
=> Ngày mộng giết giặc, đêm mơ Hà Nội: ý thơ như khắc họa cho ta hình ảnh một trái tim với hai nhịp đập – một nhịp dữ dội, quyết liệt luôn hướng về biên giới, nhịp còn lại là sự tha thiết, nhẹ nhàng, sâu lắng khi nhớ về quê nhà. Hai câu thơ này đã tạo cho người lính Tây Tiến có được một nét chấm phá riêng biệt, độc đáo, không bị trộn lẫn với ai. Hơn thế nữa, nó còn giúp hoàn thiện nét vẽ chân dung khắc họa tinh thần và khiến họ trở nên gần gũi hơn, đậm tính nhân bản hơn.
c. Hy sinh và lý tưởng cao đẹp
* Hy sinh
* Lý tưởng
“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”
- Câu thơ này miêu tả lý tưởng chiến đấu quên mình của người lính Tây Tiến. Lý tưởng này có được chính là nhờ ý thức sáng ngời của con người khi đất nước có chiến tranh. Tinh thần này khiến ta nhớ lại những điều sau:
Hà Nội mùa đông năm 1946, khi thực dân Pháp chính thức trở lại Việt Nam, người Hà Nội đã dùng tất cả những gì mình có để tạo thành chiến lũy ngăn bước quân thù, bảo vệ trung ương chính phủ rút lui an toàn về Việt Bắc, chuẩn bị cho kháng chiến trường kì. Người Hà Nội thời điểm ấy đã chiến đấu với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Khí thế mà đoàn quân Tây Tiến thể hiện khiến ta nhớ lại câu thơ trong Chinh phụ ngâm, miêu tả hình ảnh chinh phu lên đường chiến đấu:
“Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt,
Xếp bút nghiên theo việc đao cung.
Thành liền mong tiến bệ rồng,
Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.”
Đặc biệt hơn, khí thế này khiến ta dễ dàng liên tưởng đến hai câu cảm khái của Kinh Kha trước khi vượt hành thích Tần Thủy Hoàng:
“Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn
Tráng sĩ nhất khứ, bất phục hoàn”
Dịch:
Gió thổi sông Dịch chừ lạnh ghê
Tráng sĩ một đi không trở về
=> Lý tưởng hy sinh quên mình của người lính vừa mang màu sắc cổ điển như anh hùng tráng sĩ, vừa thể hiện được sự âm vang khí thế thời đại.
- Tiễn đưa người lính về nơi an nghỉ cuối cùng chỉ có những đồng đội thân thương. Nhưng qua ngòi bút của Quang Dũng, ta cảm giác cả thiên nhiên, đất nước đang khóc thương cho họ. Vì vậy mà con sông Mã cất lên tiếng gầm tiễn đưa người lính về với đất mẹ thiêng liêng. Câu thơ này gợi nhắc ta đến hai câu trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc
“Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng
Nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng lụy nhỏ”
Điều này cho ta cảm giác khi người lính ngã xuống vì đất nước, quê hương thì cả thiên nhiên, núi sông đều thương xót cho họ. Tiếng gầm của con sông Mã át đi hết những đau thương để làm nổi bật lên sự hy sinh sáng ngời của người lính Tây Tiến.
=> Cách sắp xếp của Quang Dũng rất ấn tượng, tuần tự một câu nói về hy sinh là tiếp đến một câu sáng lên lý tưởng. Cứ mỗi lần cảm xúc thơ của Quang Dũng tưởng chửng như chìm vào bi thương thì ngay lập tức được nâng đỡ lên bằng đôi cánh của lý tưởng. Vì vậy, đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung bi nhưng không lụy – nó mang vẻ đẹp bi tráng rất riêng. “Bi” làm cho lòng người xúc động; “tráng” khiến ta cảm phục, trân trọng người lính hơn và có thêm động lực mạnh mẽ trên đường thực hiện lý tưởng của mình.
III. TỔNG KẾT
1) Giá trị nội dung
- Bài thơ miêu tả bức tranh thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, dữ dội nhưng cũng đầy kì thú, hấp dẫn.
- Đồng thời, bài thơ cũng là bản hùng ca về phẩm chất anh hùng và tinh thần yêu nước của các chiến sĩ người lính Tây Tiến.
2) Giá trị nghệ thuật
- Kết hợp hài hòa bút pháp hiện thực và lãng mạn. Thiên nhiên của miền Tây Bắc hiện lên vừa hoang sơ, khắc nghiệt, vừa thơ mộng, trữ tình, gắn liền với đó là chặng đường hành quân gian khổ, khốc liệt, nhưng vẫn có nhiều kỉ niệm sâu lắng; đoàn quân Tây Tiến chịu nhiều gian khổ, hy sinh, song vẫn bật lên nét hào hùng, hào hoa. Chính điều này đã tạo nên cái nhìn riêng của hồn thơ lãng mạn Quang Dũng.
- Cảm hứng lãng mạn và sắc thái bi tráng đã tạo nên tính sử thi đặc biệt cho bài thơ. Cảm hứng lãng mạn được thể hiện chủ yếu ở việc nhà thơ đã nhấn mạnh, tô đậm những gì phi thường, vừa dữ dội vừa tuyệt mĩ của thiên nhiên, ở cảm hứng hướng tới cái cao cả, sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng của cộng đồng, dân tộc. Sắc thái bi tráng bộc lộ ở chỗ nhấn mạnh những mất mát bi thương cùng với tinh thần hiên ngang bất khuất của những người lính Tây Tiến thể hiện bằng một giọng điệu, âm hưởng có màu sắc vừa tráng lệ vừa hào hùng.
- Ngôn ngữ giàu chất tạo hình và giàu tính nhạc với âm điệu, nhịp thơ biến hóa linh hoạt. Giọng thơ thay đổi theo dòng cảm xúc, khi thì tha thiết bồi hồi với nỗi nhớ vời vợi, khi thì bừng lên với đêm hội núi rừng, khi lại lắng đọng trong kỉ niệm bâng khuâng, khi lại trang nghiêm, bi hùng gắn với hình ảnh những đồng đội một thời chiến đấu và hy sinh.
𝐒𝐮𝐛𝐬𝐜𝐫𝐢𝐛𝐞 𝐮𝐬 𝐨𝐧 𝐘𝐨𝐮𝐓𝐮𝐛𝐞
https://www.youtube.com/channel/UCDToQcZaZi0YAjAPxvv9S8g
👍 𝐅𝐨𝐥𝐥𝐨𝐰 𝐮𝐬 𝐨𝐧 𝐅𝐚𝐜𝐞𝐛𝐨𝐨𝐤
https://www.facebook.com/GiaSuThanhThang
👍 𝐉𝐨𝐢𝐧 𝐨𝐮𝐫 𝐨𝐟𝐟𝐢𝐜𝐢𝐚𝐥 𝐦𝐞𝐝𝐢𝐚 𝐜𝐡𝐚𝐧𝐧𝐞𝐥𝐬 𝐚𝐧𝐝 𝐬𝐭𝐚𝐲 𝐮𝐩𝐝𝐚𝐭𝐞𝐝
*****
Gia Sư Thành Thắng | StudyCare
The more we care - The more you succeed
- Dạy kèm Toán - Lý - Hóa - Sinh - Văn - Anh theo chương trình phổ thông Quốc Gia và chương trình học các cấp của các trường Quốc Tế.
- Luyện thi chuyển cấp lớp 9 lên lớp 10, luyện thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia, Luyện thi Đại Học.
- Giảng dạy và luyện thi IELTS - TOEIC - TOEFL - PTE - SAT - ACT - GMAT - GRE và các chứng chỉ Quốc Tế.
📌 72/53 Nguyễn Văn Thương, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP.HCM (click to see us on GG map)
Website: https://studycare.edu.vn/
Điện thoại: (028).353.66566
Zalo: 098.353.1175
Brochure: https://drive.google.com/file/d/1nUbv7rFdBNRDXDRd5nw2IHRNE-7QSLDn/view?usp=sharing