TÂY TIẾN – QUANG DŨNG (phần 1)

TÂY TIẾN – QUANG DŨNG (phần 1)

28/01/2021 CÔNG TY CP ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC STUDYCARE 0 Bình luận

TÂY TIẾN – QUANG DŨNG

(phần 1)

 

Bài soạn của cô Đặng Thiên Thanh - Gia Sư Thành Thắng

I. GIỚI THIỆU CHUNG

1) Tác giả

- Tên khai sinh của Quang Dũng là Bùi Đình Diệm (1921 – 1988) quê ở Đan Phượng thuộc tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội).

- Ông là một con người tài hoa: biết làm thơ, viết văn, sáng tác nhạc, vẽ tranh.

- Trước 1945, ông học ở Hà Nội. Sau Cách mạng tháng Tám, ông vào bộ đội.

- Sau 1954, ông làm biên tập ở nhà xuất bản Văn học.

- Thơ của ông vừa hồn nhiên, vừa tinh tế, mang vẻ đẹp hào hoa, phóng khoáng, đậm chất lãng mạn.

- Năm 2001, nhà thơ được truy tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

- Tác phẩm tiêu biểu: Rừng biển quê hương (in chung, 1957), Đường lên Châu Thuận (truyện kí, 1964), Rừng về xuôi (truyện kí. 1968), Mây đầu ô (tập thơ, 1986).

2) Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác – Xuất xứ

- Tây Tiến là một đơn vị quân đội thành lập đầu năm1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt – Lào và đánh tiêu hao lực lượng quân dội Pháp ở Thượng Lào cũng như miền Tây Bắc Bộ Việt Nam. Địa bàn đóng quân và hoạt động của đoàn quân Tây Tiến khá rộng lớn, bao gồm các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, miền tây Thanh Hóa và cả Sầm Nưa (Lào).

- Chiến sĩ Tây Tiến phần lớn là thanh niên Hà Nội, chiến đấu trong một hoàn cảnh khắc nghiệt, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn nhưng họ vẫn lạc quan, thể hiện vẻ đẹp hào hùng và hào hoa của tuổi trẻ.

- Rời xa đơn vị cũ cuối năm 1948, ở Phù Lưu Chanh (Hà Đông cũ), Quang Dũng nhớ lại những kỉ niệm về đoàn quân Tây Tiến nên viết bài thơ này.

- Bài thơ ban đầu có tên là Nhớ Tây Tiến, in trong tập Mây đầu ô (1986).

b. Bố cục 

- Đoạn 1 (14 câu đầu): Cuộc hành quân gian khổ giữa thiên nhiên miền Tây hùng vĩ, dữ dội nhưng cũng đầy thơ mộng trữ tình.

- Đoạn 2 (từ câu 15 đến câu 22): Những kỉ niệm tuyệt đẹp về tình quân dân trong đêm liên hoan và vẻ đẹp thơ mộng của núi rừng.

- Đoạn 3 (từ câu 23 đến câu 30): Khắc họa chân dung người lính Tây Tiến và sự hy sinh bi tráng của họ.

- Đoạn 4 (4 câu cuối): Nhà thơ đã rời xa đơn vị, gửi lòng mình mãi mãi gắn bó với những ngày tháng đã qua.

II. ĐỌC HIỂU

1) Đoạn 1 (14 câu đầu): Cuộc hành quân gian khổ giữa thiên nhiên miền Tây hùng vĩ, dữ dội nhưng cũng đầy thơ mộng trữ tình

a. Khái quát về nỗi nhớ (2 câu đầu)

- Con sông Mã xuất hiện hai lần trong bài thơ (xuất hiện lần nữa trong khung cảnh tiễn đưa người chiến sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng) để thể hiện với người đọc những ý nghĩa:

Con sông này chạy dọc theo địa hình hành quân của đoàn quân Tây Tiến, nên nhắc đến con sông là khơi nguồn cho dòng hoài niệm bắt đầu sống dậy.

Dự báo với người đọc song song với dòng sông Mã là một dòng chảy khác xuyên suốt toàn bộ bài thơ – đó là dòng thương nhớ của tác giả hướng về những khung cảnh, những kỉ niệm, những con người một thời gắn bó.

- Nghệ thuật nhân hóa trong tiếng gọi Tây Tiến cho ta cảm nhận, với Quang Dũng, Tây Tiến không vô tri vô giác mà là một đối tượng trữ tình, một sinh thể cảm xúc cùng nhà thơ tạo nên một cuộc đối thoại giả định để giãi bày tình cảm, thể hiện niềm thương nỗi nhớ của mình.

- Cách điệp lại từ “nhớ” trong dòng thơ này khiến ta liên tưởng đến câu thơ:

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên” (Đây thôn Vĩ Dạ ~ Hàn Mặc Tử)

 Điệp từ “nắng” thể hiện tất cả sự háo hức (náo nức) của Hàn Mặc Tử trước một ngày mới. Với Quang Dũng, điệp từ “nhớ” trải ra khắp câu thơ để diễn tả một nỗi nhớ vừa cụ thể (về rừng núi) vừa mơ hồ (nhớ chơi vơi) nhưng bao la, trải rộng, không phai mờ.

- Từ láy “chơi vơi” đã xuất hiện trong ca dao:

“Ra về nhớ bạn chơi vơi

Nhớ áo bạn mặc nhớ nơi bạn ngồi”

Xuân Diệu cũng có câu thơ:

“Sương nương theo trăng lưng trời

Tương tư nâng lòng lên chơi vơi”

- Từ “chơi vơi” miêu tả một trạng thái man mác buồn có điều gì đó hụt hẫng, trống vắng. Từ đó, ta hiểu được sự sâu sắc trong nỗi nhớ mà Quang Dũng dành cho Tây Tiến. Đồng thời, vần “ơi” trong từ láy này cộng hưởng với tiếng gọi Tây Tiến ở trên khiến nỗi nhớ đi xa hơn, gây nên nhiều cảm xúc hơn cho người đọc.

b. Thiên nhiên hùng vĩ, dữ dội

- Địa danh xa lạ: Theo sau nghệ thuật liệt kê là hàng loạt những địa danh: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu… Tên gọi những địa danh này hoàn toàn lạ lẫm, đặc biệt là với những chiến sĩ xuất thân từ học sinh, sinh viên Hà Nội. Ẩn chứa sau những địa danh đó là bao nhiêu vất vả, hiểm nguy, là những thử thách trên đoạn đường hành quân trải ra khắp núi rừng.

- Sương mù che phủ: “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi”

Trong câu thơ trên, từ “lấp” có một sức ám ảnh ghê gớm, nó không chỉ miêu tả được độ vây phủ dày đặc của sương mù mà còn thể hiện được ý nghĩa ẩn dụ cho những khó khăn, gian khổ đè nặng lên người lính. Kết hợp cùng với “đoàn quân mỏi”, câu thơ tuy có bảy chữ giản đơn nhưng vẫn khái quát được hết những gian khổ chất chồng của thiên nhiên bắt đầu trải ra cản bước chân người.

- Dốc đứng, vực sâu: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm / Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”

Đây là hai câu thơ thuộc dạng hay nhất của bài vì nó thể hiện tính chất “thi trung hữu họa, thi trung hữu nhạc” trong thơ Quang Dũng. Ngắt nhịp 4/3 trùng điệp kết hợp cùng điệp từ dày đặc (dốc, lên, ngàn thước) đã tái hiện cho ta hình ảnh núi rừng với địa hình hiểm trở, hết lên cao đến chóng mặt lại đi xuống đến rợn người. Cả ngàn thước lên xuống nối nhau thật sự là một thử thách với người lính. Câu thơ này gợi nhắc đến bài thơ Xa ngắm thác núi Lư của Lý Bạch cùng với chiều cao choáng ngợp như vậy khiến câu thơ gây ấn tượng mạnh với người đọc.

“Phi lưu trực phá tam thiên xích

Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên”

(Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước

Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây)

(Vọng Lư Sơn lộc bố ~ Lý Bạch)

Nhịp ngắt 4/3 trùng điệp như bẻ đôi câu thơ, thanh trắc chiếm đa số và tận cùng cũng bằng thanh trắc khiến ta hình dung ra được một địa hình đứt gãy, gập ghềnh. Đồng thời dường như ta cũng nghe và cảm nhận được những nhịp thở dốc, đứt quãng, mệt nhọc của đoàn quân Tây Tiến. Hai câu thơ gợi nhắc ta nhớ đến những địa hình trùng điệp hiểm trở đã từng đi vào thơ ca như:

“Thục đạo chi nan, nan ư thướng thanh thiên”

(Đường nước Thục khó khăn, khó như lên trời xanh)

(Thục đạo nan ~ Lý Bạch)

“Hình khe, thế núi gần xa

Dứt thôi lại nối, thấp đà lại cao”

(Chinh phụ ngâm ~ Đoàn Thị Điểm)

Những câu thơ miêu tả về địa hình thực chất để nhấn mạnh thêm khí phách và nghị lực của con người. Ta ấn tượng với thiên nhiên hùng vĩ nhưng lại càng ấn tượng hơn với những con người đang chinh phục nó.

- Thác gầm, cọp dữ: “Chiều chiều oai linh thác gầm thét / Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”

Hai từ láy toàn phần “đêm đêm” và “chiều chiều” miêu tả những khó khăn gian khổ không chỉ trải ra với không gian mà còn chồng chất thêm với thời gian. Những người lính Tây Tiến không chỉ đi trong sương mù, trèo đèo, vượt núi mà còn đối diện với những thử thách khốc liệt hơn của thiên nhiên. Tỷ lệ thuận với những khó khăn thử thách chông gai chính là nghị lực, tinh thần chiến đấu của người lính.

=> Gian khổ đến khi vượt quá sức chịu đựng đã khiến cho những người lính Tây Tiến mãi mãi nằm lại nơi đây.

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời”

 Nghệ thuật nói giảm nói tránh “không bước nữa”, “bỏ quên đời” – nghe nhẹ nhàng mà lại trĩu nặng xót xa. Biết bao con người đã nằm lại mãi nơi đây, thiên nhiên khốc liệt đã vùi chôn bao nhiêu đời lính. Thế nhưng thông qua đó, ta không chỉ thấy được sự thương cảm sâu sắc của tác giả dành cho đồng đội của mình mà còn thể hiện thái độ ngợi ca trước tinh thần chiến đấu quên mình của người lính.

c. Thiên nhiên mĩ lệ, trữ tình

Bước chuyển: “Heo hút cồn mây súng ngửi trời”

Câu thơ này có sự phân chia rõ rệt thành hai phần:

- “Heo hút cồn mây” – thực chất không phải là cồn mây mà là người lính Tây Tiến đã lên đến đỉnh núi, tưởng chừng như đỉnh núi mình đang đứng là cồn nổi lên giữa một biển mây mù. Điều này chứng tỏ người lính vừa trải qua một chặng hành trình rất mỏi mệt, nhiều khó khăn.

- Nhưng điều đáng ghi nhận chính là cách diễn đạt tinh nghịch đầy chất lính. Lên đến tận cùng núi non, ngước nhìn mũi súng có cảm giác mũi súng đang “ngửi” trời xanh. Ba chữ gian rđơn vừa nói lên được độ cao của địa hình vừa tái hiện cái nhìn lạc quan, vui vẻ không mất đi sau những khó khăn. Cuối bài Đồng chí, Chính Hữu có câu: “Đầu súng trăng treo”. Với Chính Hữu, ánh trăng trên đầu súng là mơ ước thanh bình, là khát khao độc lập, là tinh thần lạc quan; với Quang Dũng, “súng ngửi trời” là cái nhìn ấn tượng đầy chất lính, cũng là cách diễn đạt đầy vui vẻ để làm dịu đi những khốc liệt của hành trình và mở ra một thế giới khác, đầy thơ mộng, quyến rũ.

Hoa đêm hơi: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

- Chỉ bảy chữ nhưng câu thơ nén chặt được rất nhiều ý nghĩa, nó giúp ta hình dung ra khung cảnh lúc bấy giờ: đoàn quan càng đi, đêm càng xuống, sương mù tan dần, khi sương mù chỉ còn bảng lảng hơi sương, thì bông hoa hiện ra dọc đường và đoàn quân đang tiến lên phía trước nên có cảm giác bông hoa đang lùi về sau. Trong hoàn cảnh hành quân khó khăn cực nhọc như thế, người lính Tây Tiến vẫn giữ được ánh nhìn lãng mạn dành cho khung cảnh thiên nhiên.

- Điều này khiến ta nhớ lại bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh. Dù đường chuyển lao còn xa, bước chân mỏi mệt, tâm trạng cô đơn thoáng buồn, nhưng Người vẫn giữ được cái nhìn thiên nhiên đầy tinh tế và trìu mến, với cánh chim bay, dáng mây trôi và cô gái xay ngô bên lò than hồng rực cháy. Thông qua cái nhìn ấy, ta cảm nhận được một ý chí, một nghị lực phi thường, và đoàn quân Tây Tiến cũng vậy.

Mưa xa khơi: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

- Quang Dũng đã miêu tả cho ta một khung cảnh rất ấn tượng, đó là cơn mưa rừng. Điều độc đáo là lại ở nơi giữa núi rùng, thấy được “mưa xa khơi”. Thực ra Quang Dũng đang muốn hướng người đọc đến hình ảnh khó khăn gian khổ của người lính khi đi trên đường hành quân, gặp phải cơn mưa rừng giăng kín đất trời, cả một biển mù mưa trải ra trước mắt. Nhưng thấp thoáng trong màn mưa ấy là những mái nhà xa xa, gợi ra điểm dừng chân ấm áp.

- Đứng giữa đèo Ngang, bà Huyện Thanh Quan cũng từng có câu thơ:

“Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ (rợ) mấy nhà”

Với nữ sĩ này, mái nhà thấp thoáng nơi rừng núi chẳng những không gợi lên một nỗi niềm ấm áp nào, mà còn làm tăng thêm sự cô đơn, lẻ bóng, trống vắng, hiu quạnh giữa trời cao đất rộng.

Với Tây Tiến, bảy thanh bằng liên tiếp dưới ánh nhìn trải ra nhẹ nhành theo cơn mưa rừng giăng khắp chốn. Đồng thời, mỗi câu thơ khi đọc lên nghe như tiếng thở phào nhẹ nhõm của người lính sau khi đã hoàn thành được hành trình gian khó.

Mùi xôi nếp: “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

- Làm ta ấn tượng đầu tiên chính là ở cách diễn đạt tình tứ nhẹ nhàng của người lính với hai chữ “mùa em”, có cảm giác như sau một hành trình vất vả gian lao, bắt gặp cô gái với vắt xôi thơm thảo nghĩa tình khiến người lính có cảm giác cô gái ấy chính là mùa vàng hạnh phúc mong đợi đang khao khát.

Câu thơ này của Quang Dũng gợi nhắc ta nhớ đến khổ thơ trong bài Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên:

“Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch

Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng

Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch

Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương”

- Trong câu thơ của Tây Tiến, thanh trắc duy nhất – “nếp” – bật lên giữa dòng thơ cho ta cảm giác như đấy không chỉ là hương vị tình thương mà còn là hương kỉ niệm, khắc sâu ấn tượng không thể phai mờ.

SƠ KẾT:

Quang Dũng đã đặc tả chặng đường hành quân với hai nét đặc trưng: khốc liệt gian lao và thơ mộng trữ tình. Như đã nói, tính chất khốc liệt gian lao ở trên làm nổi bật lên khí phách, tinh thần, ý chí chiến đấu của người lính còn vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình lại thể hiện tâm hồn hào hoa, lãng mạn của họ. Ta cảm nhận được đằng sau bức tranh thiên nhiên là hình tượng con người, được hoàn thiện dần trong chặng đường hành quân ấy.

 

Nhấn vào đây để xem phần tiếp theo: TÂY TIẾN – QUANG DŨNG(phần 2)

 

𝐒𝐮𝐛𝐬𝐜𝐫𝐢𝐛𝐞 𝐮𝐬 𝐨𝐧 𝐘𝐨𝐮𝐓𝐮𝐛𝐞

https://www.youtube.com/channel/UCDToQcZaZi0YAjAPxvv9S8g

👍 𝐅𝐨𝐥𝐥𝐨𝐰 𝐮𝐬 𝐨𝐧 𝐅𝐚𝐜𝐞𝐛𝐨𝐨𝐤

https://www.facebook.com/GiaSuThanhThang

👍 𝐉𝐨𝐢𝐧 𝐨𝐮𝐫 𝐨𝐟𝐟𝐢𝐜𝐢𝐚𝐥 𝐦𝐞𝐝𝐢𝐚 𝐜𝐡𝐚𝐧𝐧𝐞𝐥𝐬 𝐚𝐧𝐝 𝐬𝐭𝐚𝐲 𝐮𝐩𝐝𝐚𝐭𝐞𝐝

https://qrco.de/studycare

 

*****

Gia Sư Thành Thắng | StudyCare

The more we care - The more you succeed

  • Dạy kèm Toán - Lý - Hóa - Sinh - Văn - Anh theo chương trình phổ thông Quốc Gia và chương trình học các cấp của các trường Quốc Tế.
  • Luyện thi chuyển cấp lớp 9 lên lớp 10, luyện thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia, Luyện thi Đại Học.
  • Giảng dạy và luyện thi IELTS - TOEIC - TOEFL - PTE - SAT - ACT - GMAT - GRE và các chứng chỉ Quốc Tế.

 

📌 72/53 Nguyễn Văn Thương, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP.HCM (click to see us on GG map)

Website: https://studycare.edu.vn/

Điện thoại: (028).353.66566

Zalo: 098.353.1175

Brochure: https://drive.google.com/file/d/1nUbv7rFdBNRDXDRd5nw2IHRNE-7QSLDn/view?usp=sharing 

popup

Số lượng:

Tổng tiền: