MÙA XUÂN NHỎ NHỎ - THANH HẢI
(Phần 2)
Bài soạn của cô Đặng Thiên Thanh - Gia Sư Thành Thắng
Nhấn để xem phần 1 tại: MÙA XUÂN NHỎ NHỎ - THANH HẢI (phần 1)
B. PHÂN TÍCH BÀI THƠ
III. Ước nguyện của nhà thơ (8 câu tiếp theo)
Muốn làm những việc hữu ích dâng hiến cho đời bày tỏ qua những hình ảnh tự nhiên, giản dị. Đẹp tự nhiên và giàu cảm xúc ý nghĩa vì nhà thơ đã lấy cái đẹp tinh túy của thiên nhiên để diễn tả vẻ đẹp của tâm hồn:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.”
- Làm “con chim hót” giữa mùa xuân muôn ngàn tiếng chim vô tư cống hiến tiếng hót vui, làm “một cành hoa” giữa vườn hoa xuân rực rỡ vô tư cống hiến hương sắc cho đời, “một nốt trầm” giữa bản hòa tấu muôn điệu, làm một “một mùa xuân nho nhỏ” góp vào mùa xuân lớn của đất nước, của cuộc đời chung. Ở phần đầu bài thơ, tác giả đã phác họa hình ảnh mùa xuân bằng những chi tiết bông hoa và tiếng chim hót. Cấu tứ lặp lại như vậy tạo ra sự đối ứng chặt chẽ. Hình ảnh chọn lọc ấy đã mang một ý nghĩa mới: niềm mong muốn sống có ích, cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên.
- Điệp từ “ta” như một lời khẳng định. Nó không chỉ là lời tâm niệm thiết tha, chân thành của nhà thơ mà nó còn đề cập đến một vấn đề lớn là khát vọng chung của nhiều người.
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”
Ước nguyện hóa thân vô cùng cháy bỏng, nhưng được tác giả âm thầm “lặng lẽ dâng cho đời”, ”Nho nhỏ”, “lặng lẽ” là cách nói khiêm tốn, chân thành mà giản dị, là cách sống cao đẹp. Tác giả muốn mỗi người là mùa xuân nhỏ góp vào cuộc sống. Đó là ước nguyện sống có ích, được cống hiến cho đời như Tố Hữu đã viết trong “Một khúc ca xuân”:
“Nếu là con chim, chiếc lá
Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho dân, đâu chỉ nhận riêng mình?”
- “Mùa xuân nho nhỏ” là một ẩn dụ đầy sáng tạo, cũng là cách thể hiện thiết tha, cảm động. Nó đã khắc sâu ý tưởng: “Những cuộc đời đã hóa núi sông ta” (Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm). Đó không phải mong muốn trong lúc nhất thời, mà là cả một cuộc đời
“Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”
Điệp từ “dù là” khiến âm điệu câu thơ tha thiết sâu lắng, ý thơ được nhấn mạnh làm cho người đọc không chỉ xúc động trước một giọng thơ ấm áp, mà còn xúc động trước lời tâm sự thiết tha của một con người đã từng trải qua hai cuộc kháng chiến, đã cống hiến trọn cuộc đời và sự nghiệp cho cách mạng. Giờ đây, vẫn tha thiết được sống đẹp, sống có ích với tất cả sức sống tươi trẻ của mình cho cuộc đời chung.
Bài thơ được viết một tháng trước khi nhà thơ trở về với cát bụi nhưng lại không gợi cho người đọc chút băn khoăn mà về bệnh tật, những suy nghĩ riêng tư cho bản thân mà chỉ “lặng lẽ cháy bỏng một khát khao được dâng hiến”.
IV. Lời ngợi ca quê hương đất nước qua điệu dân ca xứ Huế (Khổ cuối).
Như một nhịp lấy lại của khúc dân ca dịu dàng, đằm thắm tăng giá trị biểu hiện của các khổ thơ trên đem lại thi vị Huế trìu mến tha thiết.
“Mùa xuân – ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế.”
- Bài thơ khép lại trong âm điệu khúc Nam ai, Nam bình xứ Huế. Đoạn thơ kết thúc như một khúc hát ca ngợi mùa xuân để lại dư vị sâu lắng. Nhà thơ muốn hát một điệu Nam ai, Nam bình, điệu dân ca tha thiết xứ Huế để đón mừng mùa xuân. Câu ca như một lời từ biệt để hòa vào vĩnh viễn.
-“Nước non ngàn dặm mình / Nước non ngàn dặm tình” sẽ vẫn còn ngân nga mãi mãi. Phải yêu đời lắm, phải lạc quan lắm mới có thể hát được trong hoàn cảnh nhà thơ lúc đó (đang ốm nặng và sắp qua đời). Điệu nhạc ấy càng làm ta yêu quý tiếng hát và tấm lòng nhà thơ. Như vậy, xuyên suốt bài thơ không chỉ là hình tượng mùa xuân. Từ tiếng chim chiền chiện tượng trưng cho khúc hát của đất trời đến làm một nốt nhạc trầm nhập vào bản hòa ca đất nước, và đến đây là khúc hát tạo ấn tượng một bài ca không dứt. Đây là một bài ca yêu cuộc sống.
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc thành bài hát và trở thành một khúc ca xuân quen thuộc, xúc động, còn mãi với đời.
V. Nghệ thuật đặc sắc:
- Thể thơ 5 chữ gần với điệu dân ca, âm hưởng trong sáng, nhẹ nhàng, tha thiết, điệu thơ như nhạc điệu của tâm hồn, cách gieo vần liền tạo sự liền mạch của dòng cảm xúc.
- Hình ảnh tự nhiên giản dị, những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng, đặc biệt một số hình ảnh cành hoa, con chim, mùa xuân được lặp đi lặp lại và nâng cao gây ấn tượng đậm đà.
- Kết cấu bài thơ chặt chẽ, chủ yếu dựa trên sự phát triển của hình tượng mùa xuân : từ mùa xuân đất trời cho đến mùa xuân của đất nước, con người.
- Giọng điệu bài thơ phù hợp với cảm xúc của tác giả: Ở đoạn đầu vui vẻ, nhẹ nhàng, say sưa với vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên, rồi phấn chấn, hối hả trước khí thế lao động của đất nước. Và cuối cùng là trầm lắng, trang nghiêm thiết tha bộc bạch, tâm niệm.
VI. Trong phần đầu bài thơ, tác giả dung đại từ “tôi” sang phần sau lại dung đại từ “ta”.
Em hiểu như thế nào về sự chuyển đổi đại từ nhân xưng ấy của chủ thể trữ tình?
- Tôi và ta đều là đại từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất.
- Giữa hai phần của bài thơ có sự chuyển đổi đại từ nhân xưng của chủ thể trữ tình từ “tôi” sang “ta”. Điều này không phải hoàn toàn là ngẫu nhiên mà đã được tác giả sử dụng như một dụng ý nghệ thuật thích hợp với sự chuyển biến của cảm xúc và tư tưởng trong bài thơ. Chữ “tôi” trong câu “Tôi đưa tay tôi hứng” ở khổ thơ đầu vừa thể hiện một cái “tôi” cụ thể rất riêng của nhà thơ, vừa thể hiện được sự nâng niu, trân trọng với vẻ đẹp và sự sống của mùa xuân. Nếu thay bằng chữ “ta” thì hoàn toàn không thích hợp với nội dung cảm xúc ấy mà chỉ vẽ ra một tư thế phô trương.
- Còn trong phần sau, khi bày tỏ điều tâm niệm tha thiết như một khát vọng được dâng hiến giá trị tinh túy của đời mình cho cuộc đời chung thì đại từ “ta” lại tạo được sắc thái quan trọng, thiêng liêng của một lời nguyện ước.
- Hơn nữa, điều tâm nguyện ấy, không chỉ của riêng nhà thơ, mà còn là của biết bao thế hệ người Việt Nam đang sống và cống hiến cho sự nghiệp chung, cái “tôi” của tác giả đã nói thay nhiều cái “tôi” khác, nó nhất thiết phải hóa thân thành cái ta. Nhưng trong cái “ta” – chung ấy, người đọc vẫn nhận thức được được một giọng điệu tâm tình nhỏ nhẹ, khiêm nhường, đằm thắm của cái “tôi” - riêng - Thanh Hải.
👍 𝐒𝐮𝐛𝐬𝐜𝐫𝐢𝐛𝐞 𝐮𝐬 𝐨𝐧 𝐘𝐨𝐮𝐓𝐮𝐛𝐞
https://www.youtube.com/channel/UCDToQcZaZi0YAjAPxvv9S8g
👍 𝐅𝐨𝐥𝐥𝐨𝐰 𝐮𝐬 𝐨𝐧 𝐅𝐚𝐜𝐞𝐛𝐨𝐨𝐤
https://www.facebook.com/GiaSuThanhThang
👍 𝐉𝐨𝐢𝐧 𝐨𝐮𝐫 𝐨𝐟𝐟𝐢𝐜𝐢𝐚𝐥 𝐦𝐞𝐝𝐢𝐚 𝐜𝐡𝐚𝐧𝐧𝐞𝐥𝐬 𝐚𝐧𝐝 𝐬𝐭𝐚𝐲 𝐮𝐩𝐝𝐚𝐭𝐞𝐝
*****
Gia Sư Thành Thắng | StudyCare
The more we care - The more you succeed
- Dạy kèm Toán - Lý - Hóa - Sinh - Văn - Anh theo chương trình phổ thông Quốc Gia và chương trình học các cấp của các trường Quốc Tế.
- Luyện thi chuyển cấp lớp 9 lên lớp 10, luyện thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia, Luyện thi Đại Học.
- Giảng dạy và luyện thi IELTS - TOEIC - TOEFL - PTE - SAT - ACT - GMAT - GRE và các chứng chỉ Quốc Tế.
📌 72/53 Nguyễn Văn Thương, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP.HCM (click to see us on GG map)
Website: https://studycare.edu.vn/
Điện thoại: (028).353.66566
Zalo: 098.353.1175
Brochure: https://drive.google.com/file/d/1nUbv7rFdBNRDXDRd5nw2IHRNE-7QSLDn/view?usp=sharing