Hình tượng con sông Đà

Hình tượng con sông Đà

15/10/2021 CÔNG TY CP ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC STUDYCARE 0 Bình luận

HÌNH TƯỢNG CON SÔNG ĐÀ

trong tùy bút

NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ

– Nguyễn Tuân –

Tổng hợp và biên soạn:

Ms. Đặng Thiên Thanh

Lecturer and Content Marketing Specialist | Digital Marketing Department | StudyCare

Bachelor in Business Administration, Vietnam – Japan Institute of Technology, Ho Chi Minh City University of Technology

Bachelor in English Language & Literature, Hanoi Open University

A. KHÁI QUÁT VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

Nguyễn Tuân là một trong những cây bút xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp văn học của ông vô cùng phong phú với những trang viết độc đáo và tài hoa. Tác phẩm Người lái đò Sông Đà trích từ tùy bút Sông Đà là tiêu biểu nhất cho phong cách sáng tác của Nguyễn Tuân – người nghệ sĩ dành cả cuộc đời để tìm kiếm cái đẹp, sự toàn mỹ mang phong cách uyên bác, tài hoa.

 

B. PHÂN TÍCH HÌNH TƯỢNG CON SÔNG ĐÀ

1. Hung bạo, dữ dằn:

Sự hung bão của sông Đà được ghi lại bằng những quãng thác ghềnh dữ dội:

 

- Quãng mặt ghềnh Hát Loóng “dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm”, quãng này nếu người lái đò khinh suất tay lái “thì cũng dễ lật ngửa bụng thuyền ra”.

 

- Quãng Tà Mường Vát phía dưới Sơn La lại có “những cái hút nước giống như cái giếng bê tông… nước thở và kêu như cửa cống bị sặc”, hoặc có “những cái giếng sâu… như vừa rót dầu sôi vào” với sự nguy hiểm khôn cùng khi không biết bao nhiêu thuyền đã bị nó “hút xuống, thuyền trồng cây chuối rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác”.

 

- Sông Đà còn gây ấn tượng bằng những ngọn thác và tiếng nước gầm vang “réo gần mãi lại réo to mãi lên… nghe như oán trách… rồi lại như van xin… khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo…”.

 

- Nhưng có lẽ đáng sợ nhất là trùng vây thạch trận của sông Đà, với hòn chìm, hòn nổi, cả một chân trời đá “dựng vách thành”, “có chỗ vách đá thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu”. Và người lái đò sông Đà đã phải đương đầu với cả ba vòng thạch trận đầy nguy hiểm đó.

 

- Bằng cách miêu tả những nét hung bạo của sông Đà, nhà văn vừa so sánh liên tưởng từ cảnh thiên nhiên lớn lao đến cuộc sống gần gũi hằng ngày, từ tĩnh sang động, từ những sự vật vô tri thành những sự vật có tâm linh linh động, có thể tác động với con người. Đồng thời, ông cũng muốn nhấn mạnh những thử thách của thiên nhiên dành cho con người lao động trên sông để nhằm khẳng định, ngợi ca sức mạnh và tài năng của họ.

 

2. Trữ tình, thơ mộng:

- Hình dáng đầu tiên của con sông Đà: từ trên cao nhìn xuống, sông Đà như “cái dây thừng ngoằn ngoèo”. Sau đó là “từng nét sông trải ra trên đại dương đá lờ mờ bóng mây” rất tinh tế, và cuối cùng ngưng đọng lại trong hình ảnh “sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Nguyễn Tuân đã dùng một câu văn rất dài hơi, rất hay để miêu chảy về dòng chảy của sông Đà. Độ dài của câu văn cũng chính là một gợi ý cho dòng chảy miên man bất tận của sông Đà.

 

- Khi Nguyễn Tuân “nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên sông Đà”, hoặc lúc “xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước”, ông thấy dòng sông hiện lên như một mỹ nhân hiền dịu đầy xuân sắc với bao sắc màu biến đổi diệu kỳ: “mùa xuân dòng xanh ngọc bích”, “mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa”. Con sông tươi đẹp, sinh động biết bao chứ không phải là con sông đen như “thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu”.

 

- Nguyễn Tuân ấn tượng với cái màu loang loáng của mặt nước “như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy”; và ông bất chợt phát hiện trong cái lấp lánh ấy “sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi – Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Theo Nguyễn Tuân miêu tả, màu nắng ấy là sự kết hợp của ba tính chất “nắng loang loáng, nắng giòn tan, nắng tháng ba đường thi”. Những màu nắng ấy như thắp sáng sông Đà và gợi nên bao tâm tình quyến luyến.

 

- Có thể nói, khung cảnh sông Đà hiện lên trước mắt Nguyễn Tuân và người đọc với tất cả niềm hân hoan phấn chấn và từng cụm từ được nêu ra như những tiếng reo vui liên tiếp của tác giả. “Bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên sông Đà”. Nhà văn vui sướng sắm say khi hội ngộ cùng con sông; nỗi niềm ấy được ông ví von như niềm vui khi thấy “cái nắng giòn tan sau kì mưa dầm”, “như nối lại chiêm bao đứt quãng” – cái nắng sưởi ấm tình cảm thân thương, gần gũi của tác giả trong cảm giác “đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân”.

 

- Nguyễn Tuân đã gọi sông Đà hai tiếng “cố nhân” – hai tiếng chứa đựng những tình cảm vô cùng sâu nặng. Trong tiếng gọi đó, người đọc nghe được sự tha thiết sâu đậm của một tình bạn bao ngày chưa gặp và sự say đắm nồng nàn của một mối tình xa lâu chưa nối lại.

 

- Một lần nữa, khi thuyền trôi ven bờ, tác giả lại phát hiện ra được thêm bao nhiêu vẻ đẹp gợi cảm của con sông. “Hình như từ đời Lý, đời Trần, đời Lê, quãng sông này cũng lặng lờ đến thế mà thôi”. Con sông bây giờ không hẳn chỉ là của hiện tại, nó trôi ngược về quá khứ xa xưa với sự so sánh, liên tưởng đầy bất ngờ của tác giả: “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Nhà văn đã làm bật lên sự yên ắng, trữ tình đến lạ lùng của con sông, từ đó nhấn mạnh với người đọc hàng loạt hình ảnh có giá trị biểu cảm ẩn dụ sâu sắc.

 

- Có thể nói, tâm hồn nhà văn như vỗ cánh cùng ước mơ sông Đà đẹp tươi hơn trong ngày mới dựng xây. Càng về cuối bức tranh, sông Đà càng đẹp và sống động với “áng cỏ sương”, rồi “đàn cá đâm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc tơi thoi”“tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến”. Cảnh thiên nhiên cứ mở rộng dần bằng vẻ đẹp vừa hiện thực vừa biến ảo của nó với cái nhìn đắm mình trong mơ mộng của nhà văn.

 

3. Nghệ thuật:

Tác giả sử dụng bút pháp tương phản, khắc họa thành công sự đối kháng giữa hai bên: thiên nhiên – thác đá sông Đà hung bạo, dữ dội; đối lập với con người – ông lái đò thông minh, dũng cảm, kiên cường. Sự tương phản rõ rệt ấy đã khẳng định khả năng chinh phục tự nhiên của con người Tây Bắc. Nguyễn Tuân đã rất khéo léo khi sử dụng thành công những kiến thức uyên bác trong nhiều lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, … cùng trí tưởng tượng kì thú và vốn từ phong phú của mình. Ông đã biến câu chuyện về cuộc đời thầm lặng của một con người bình thường thành bản trường ca về người lao động anh hùng – một người nghệ sĩ thực thụ. Người lái đò sông Đà có thể xem là sự háo thân, thăng hoa đầy nghệ thuật của Nguyễn Tuân.

 

⭐⭐⭐⭐⭐

StudyCare Education

The more we care - The more you succeed

⭐⭐⭐⭐⭐

  • 🔹 Bồi dưỡng Toán - Lý - Hóa - Sinh - Văn - Anh theo chương trình phổ thông Quốc Gia và chương trình học các cấp của các trường Quốc Tế.
  • 🔹 Luyện thi chuyển cấp lớp 9 lên lớp 10, luyện thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia, Luyện thi Đại Học.
  • 🔹 Giảng dạy và luyện thi IELTS - TOEIC - TOEFL - PTE - SAT - ACT - GMAT - GRE và các chứng chỉ Quốc Tế.
  • 🔹 Hỗ trợ các loại hồ sơ, thủ tục cấp VISA Du học - Du lịch - Định cư các Quốc gia Châu Âu, Châu Úc, Châu Mỹ.
  • 🔹 Các dịch vụ dịch thuật chuyên nghiệp: dịch thuật chuyên ngành; dịch thuật công chứng; dịch thuật các loại sách, giáo trình.
  • 🔹 Hoạt động hỗ trợ học thuật chuyên môn cao: cung cấp số liệu, dữ liệu khoa học; xử lý các mô hình Toán bằng phần mềm chuyên dụng; cung cấp các tài liệu điện tử có bản quyền: sách chuyên ngành, các bài báo khoa học.

⭐⭐⭐⭐⭐

Công ty CP Đầu tư Phát triển Giáo dục StudyCare

MST 0313301968

⭐⭐⭐⭐⭐

📌 72/53 Nguyễn Văn Thương, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP.HCM

☎ Điện thoại: (028).353.66566

📱 Zalo: 098.353.1175

📋 Brochure: https://goo.gl/brochure

📧 Email: hotro@studycare.edu.vn

🏡 Location: https://goo.gl/maps/studycare

🌐 Visit us online: https://qrco.de/studycare

popup

Số lượng:

Tổng tiền: