ĐÀN GHI TA CỦA LOR-CA - Thanh Thảo
A. KHÁI QUÁT VỀ TÁC GIẢ
Thanh Thảo là một nhà thơ tài hoa, khẳng định tài năng từ trong kháng chiến chống Mĩ. Sau năm 1979, nhất là trong thời kì đổi mới văn học, ông đã có rất nhiều nỗ lực trong việc cách tân thơ Việt với xu hướng đào sâu vào cái tôi nội cảm qua hình thức thơ tự do, hiện đại bằng các hình ảnh và ngôn từ mới mẻ.
Lor-ca không chỉ là một nhà thơ, nhạc sĩ, kịch tác gia thiên tài mà còn là một nhà chống phát xít kiên cường. Ông bị sát hại vào năm 1936. Thanh Thảo là một nhà thơ có mối quan tâm đặc biệt đối với những con người có nhân cách và nghĩa khí dù số phận có thể trái ngang. Trong mạch cảm hứng ấy, trường hợp của Lor-ca được xem là thành công hơn cả. Bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca được Thanh Thảo lấy cảm hứng từ những giây phút bi phẫn trong cuộc đời của Lor-ca và câu nói “khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” để sáng tác nên. Bài thơ được in trong “Khối vuông Ru-bích” (1985). Đàn ghi ta của Lor-ca đã diễn tả rõ nét hình ảnh Lor-ca và tâm trạng của nhà thơ Thanh Thảo trước cái chết bi thảm của thiên tài người Tây Ban Nha. Bào thơ gồm hai phần với sáu khổ thơ và một câu kết.
B. PHÂN TÍCH BÀI THƠ
1. 6 câu thơ đầu:
những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn
Khổ thơ đầu tiên là những lời tự sự, kể về cuộc đời Lor-ca mà nhà thơ Thanh Thảo tựa như nhà chép sử cần mẫn và đầy nhạy cảm. Mỗi chi tiết trong bài thơ đều gợi lại hình ảnh của Lor-ca, chàng nghệ sĩ, người chiến sĩ cách mạng có lí tưởng cao đẹp nhưng số phận lại bất hạnh.
những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
Bài thơ mở ra với hình ảnh “những tiếng đàn bọt nước” ngay lập tức gợi lên một điều gì đó như mong manh, dễ vỡ, như chông chênh, mập mờ. Phải chăng đó là cuộc đời mong manh, bạc mệnh của Lor-ca? Câu thơ mở đầu gợi cảm giác mong manh, xót thương để rồi theo người đọc xuyên suốt cả bài thơ. Nếu như trước đây, câu thơ “tiếng đàn xưa đứt ngang dây” của Tố Hữu viết về Nguyễn Du vốn đã nhuốm mùi đau thương, thì ở đây, “những tiếng đàn bọt nước” của Thanh Thảo viết về Lor-ca lại càng đau thương hơn gấp bội lần.
Tác giả cũng giới thiệu về Lor-ca trên nền văn hóa rộng lớn của đất nước Tây Ban Nha với những hình ảnh: áo choàng đỏ gắt, hoa li-la. “Áo choàng đỏ gắt” gợi cho ta nhớ đến những trận đấu bò tót trên các đấu trường thể hiện sức mạnh ở Tây Ban Nha. Trong không gian văn hóa ấy, ta thấy như hiện lên những cuộc chiến đấu khác. Cũng tấm áo choàng ấy, cũng với tinh thần ấy, người hiệp sĩ Lor-ca bước ra đấu trường với một quyết tâm cao dù là trong cuộc chiến không cân sức với bọn phát xít Phrang-cô; hay trên đấu trường nghệ thuật - cuộc chiến giữa nhà cách tân vĩ đại Lor-ca với nền nghệ thuật cũ kĩ, lạc hậu, già nua. Cả hai cuộc chiến đều rất cao cả, rất vĩ đại, khiến ta không khỏi cảm phục và thương mến.
Lor-ca còn nổi lên như một ca sĩ dân gian cô độc, một kị sĩ lãng du phóng khoáng yêu tự do nhưng thầm lặng.
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn
Hàng loạt hình ảnh: “hát nghêu ngao, đi lang thang về miền đơn độc, với vầng trăng chếnh choáng, trên yên ngựa mỏi mòn…” là những hình ảnh lãng mạn, tượng trưng, vừa làm nổi bật lên hình tượng người nghệ sĩ Lor-ca, vừa gợi lên sự mỏi mòn, cô độc trong tâm hồn con người ấy. Câu thơ dần chậm lại, dịu lại như một khúc nhạc đang lên trầm xuống bổng rồi đột nhiên có nốt nhạc lỡ, ngân dài theo thanh âm triền miên li-la li-la li-la, mang âm hưởng dân ca Tây Ban Nha, như tiếng vọng về nơi nào đó trong quá khứ, trong ký ức, nghe sao tha thiết, dìu dặt mà vẫn đầy đau đớn, xót thương, …
Chỉ với sáu câu thơ, bằng bút pháp tự sự, hình ảnh thơ tượng trưng đầy tính ước lệ, Thanh Thảo đã mang đến cho người đọc những liên tưởng ngỡ như bị ngắt khoảng, gián đoạn, lại lồng ghép vào nhau một cách hài hòa, khắc họa vô cùng rõ nét về Lor-ca – một chiến sĩ yêu tự do, một nghệ sĩ dũng cảm, cầm lấy ngòi bút của mình, cách tân nghệ thuật cũ kĩ trong bối cảnh chính trị và nghệ thuật Tây Ban Nha đang có vô vàng những khó khăn, thử thách. Đoạn thơ với những sáng tạo độc đáo, giàu chất nhạc họa, đồng thời cho thấy cả những nỗ lực đổi mới thơ ca của Thanh Thảo.
2. 6 câu thơ tiếp theo:
Khổ thơ thứ hai khắc họa đậm nét những ấn tượng về cái chết đầy bi phẫn của Lor-ca, người nghệ sĩ đấu tranh cho tự do, bị bọn phát xít Phrăng-cô dẫn ra pháp trường sát hại.
Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lor-ca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du
Chàng nghệ sĩ yêu đời, yêu tự do ấy rong ruổi trên khắp những nẻo đường, rồi cất cao lên tiếng hát, lời ca giữa thiên nhiên Tây Ban Nha, thì, “bỗng kinh hoàng, áo choàng bê bết đỏ, Lor-ca bị điệu về bãi bắn, chàng đi như người mộng du” giữa bầy ác quỷ. Thể chế độc tài Phrăng-cô đã bí mật bắt và áp giải chàng vào bãi bắn để phi tang một con người với tư tưởng tiến bộ vì lo sợ những ảnh hưởng của Lor-ca.
Cụm từ “bỗng kinh hoàng” diễn tả sự bất ngờ đột ngột. Cái chết đã ập đến quá nhanh và phũ phàng, giữa lúc Lor-ca không ngờ tới. Nên áo choàng không còn “màu đỏ gắt” nữa mà đã chuyển sang “bê bết đỏ”, hình ảnh hoán dụ ấy đã khắc họa nên hiện thực đẫm máu về cái chết bi thảm của Lor-ca. Người nghệ sĩ tài hoa ấy đã nằm xuống khi mới 38 tuổi, độ tuổi mang đầy sự hứa hẹn thành công.
Lor-ca lúc nào cũng bị ám ảnh về cái chết. Điều ấy tràn cả vào trong thơ của ông. Lor-ca đã từng thảng thốt rằng: “Tôi không muốn nhìn thấy máu”. Nhưng rồi, vào cái ngày định mệnh ấy, 19/08/1936, máu đã chảy tràn đất nước Tây Ban Nha. Và cùng hòa vào đó là dòng máu của đứa con trung thành và vĩ đại của xứ bò tót dũng mãnh. Nhưng Lor-ca chấp nhận điều ấy, như một người cách mạng chân chính “Dấn thân vô là phải chịu tù đày / Gươm kề cổ súng kề tai / Là thân sống chỉ coi còn một nửa” (Tố Hữu). Tâm hồn và tinh thần của Lor-ca đã gửi tất cả vào cuộc tranh đấu và vì thế bước chân mộng du đã hóa thành những bước chân anh hùng. Càng tiếc thương chàng nghệ sĩ bao nhiêu, chúng ta lại càng căm phẫn tội ác bấy nhiêu.
Cái chết của chàng nghệ sĩ có đôi mắt sáng ngời như những vì sao trời, mái tóc xanh mướt cỏ thảo nguyên cùng cây đàn ghi ta mang khát vọng dân chủ, mang niềm vui nỗi buồn của đất nước mình không chỉ là nỗi đau bàng hoàng đối với Tây Ban Nha mà còn là nỗi ám ảnh đối với toàn thế giới, trong lòng nhân dân Việt Nam và của nhà thơ Thanh Thảo.
3. 6 câu thơ tiếp theo:
tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy
Cái chết bất ngờ đến với Lor-ca, một con người trong sạch và vô tội. Dù luôn bị ám ảnh về cái chết của chính mình nhưng vẫn không thể nghĩ rằng nó lại đến sớm như thế. Và đến vào lúc chàng không ngờ nhất. Cảnh Lor-ca bị hành hình với những diễn biến phũ phàng, thảm khốc ấy đã tạo ra cú sốc dây chuyền được diễn tả theo lối tượng trưng, liên tục chuyển đổi cảm giác, qua hệ thống những âm thanh vỡ tan ra thành màu sắc, thành hình khối, thành từng dòng máu chảy.
Sự chuyển đổi cảm giác mang đến sự linh hoạt khi miêu tả tiếng đàn. “Màu nâu” xuất hiện suy tư, trầm tĩnh đến lạ thường. Đó là màu nâu của cây đàn, màu nâu của đất đai, màu nâu của làn da rám nắng trên thân hình những vũ nữ Di-gan bốc lửa. Và trước giay phút từ giã cuộc đời, chàng đã ngước nhìn lên bầu trời xanh tha thiết – là “bầu trời cô gái ấy”. Là bầu trời của khát vọng tự do, của yêu thương hạnh phúc, nơi có bóng hình nàng Maria thủy chung son sắt. Đối lập với màu nâu trầm tĩnh là màu xanh của “tiếng ghi ta lá xanh biết mấy”. “Màu xanh” ấy là sự hóa thân của Lor-ca và tiếng đàn vào thiên nhiên mang sức sống cỏ cây. Màu xanh của những vườn cam chín mọng, căng đầy sức sống, màu xanh của thảo nguyên và từng rặng ô liu hay hàng bạch dương nươi Lor-ca đang yên nghỉ. Hai tiếng “biết mấy” nằm ở cuối câu vừa là sự tha thiết trong tình cảm của người nghệ sĩ Thanh Thảo, vừa để tôn thêm vẻ đẹp tuổi trẻ của Lor-ca – vẻ đẹp của người chiến sĩ suốt đời hy sinh vì lí tưởng.
Điệp khúc dồn dập qua nhịp thơ, Thanh Thảo như đã lột tả được hết cái bàng hoàng căm phẫn trong bản ghi ta bi tráng! Đây là khúc biến tấu của tiếng đàn. Nó thay màu chuyển gam rất mau lẹ, biến ảo không ngừng và đặc biệt luôn sinh sôi nảy nở. Giọt này vỡ đi, giọt kia lại trào ra không dứt. Đó là sức sống! Tiếng đàn không chỉ mang sắc màu biến tấu mà còn mang cả hình khối, đường nét như hình hài của sinh mệnh. Nó cũng có lúc tức tưởi vỡ òa, cũng biết cất lên tiếng nói căm phẫn sự bạo tàn. Hai tiếng “vỡ tan” vừa là sự vụn vỡ đầy bất lực của bọt nước, vừa là sự phập phồng thổn thức của tiếng đàn. Nó đã cất lên lời ca tranh đấu, lên án bè lũ phát xít đã hủy diệt tài năng, cái đẹp. Và vì thế, bản ghi ta bi tráng được đẩy đến độ cao trào của sự bi phẫn, nó “ròng ròng máu chảy”, nó uất nghẹn, tức tưởi đến bật máu thành từng dòng đau thương trong một bản đàn giao hưởng hào sảng. Nỗi đau của tiếng đàn cũng là nỗi đau của người nghệ sĩ khi khát vọng chưa thành.
4. 4 câu thơ tiếp theo:
Lor-ca đã hy sinh nhưng những kẻ thất bại lại chính là bè lũ phát xít. Bởi chúng chỉ có thể hủy diệt được thân xác của Lor-ca nhưng không thể hủy diệt được sức sống của anh đang bừng nở giữa những bản hòa tấu trầm hùng mang âm hưởng của tiếng ghi ta nồng nàn. Với thủ pháp nghệ thuật so sánh và liên tưởng, Thanh Thảo đã làm sống dậy một không gian sinh tồn đầy sức sống mãnh liệt.
không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng
Để hiểu hết những câu thơ trên, cần căn cứ vào lời di chúc của Lor-ca “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”. Di chúc của Lor-ca không người thực hiện (đây cũng là nỗi xót xa của Thanh Thảo). Không ai hiểu, không ai tri âm cùng với Lor-ca cả. Lor-ca muốn sau khi mình qua đời, sự sáng tạo cũng chấm dứt thì hãy chôn cất nghệ thuật của mình đi, để cho những kẻ hậu sinh kia khỏi bị cái bóng của mình ngăn cản. Đó là đạo đức của một vĩ nhân – sẵn sàng hy sinh danh vọng cá nhân để cộng đồng phát triển.
Dựa vào những tư liệu ít ỏi ấy, nhà thơ Thanh Thảo đã viết lên khổ thơ trên với tất cả những mỹ từ chứa đựng hình ảnh mang tính tượng trưng, đa nghĩa. “Tiếng đàn như cỏ mọc hoang” là nỗi xót thương cái chết của một thiên tài, là nỗi luyến tiếc cho hành trình cách tân nghệ thuật dang dở, không chỉ với bản thân Lor-ca mà còn với cả nền văn chương nghệ thuật Tây Ban Nha. Bởi lẽ, nhà cách tân Lor-ca đã ra đi, thì nghệ thuật sẽ thiếu vắng đi người dẫn đường, người định hướng, soi lối tương lai, nghệ thuật giờ đây bỗng như nhành “cỏ mọc hoang”. Hình ảnh so sánh như “cỏ mọc hoang” được nhà thơ Thanh Thảo sử dụng đã gợi lên cảm nhận về một sức sống mãnh liệt và hoang dại của nghệ thuật chân chính. Bởi nào có loài thảo hoa nào mọc nhiều bằng những nhành cỏ dại? Có gì xanh mướt bằng nhành cỏ dại? Có gì mãnh liệt bằng những nhành cỏ dại phủ đầy mặt đất bao la? Đấy chính là sự bất tử, sự vĩnh hằng của nghệ thuật cùng niềm khao khát sống mãnh liệt luôn vang vọng qua từng trang giấy, vẫn sẽ mãi đồng hành cùng thời gian và đi cùng năm tháng thăng trầm của lịch sử, mãi lắng đọng trong lòng những người dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, đỉnh điểm của những lời ca tụng vẫn là hai câu thơ:
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng
Câu thơ trên được viết theo lối sắp đặt – bị lược bỏ những quan hệ từ, làm cho bạn đọc có thể thỏa sức mình liên tưởng, sáng tạo của tác giả. Hình ảnh “nước mắt” biểu trưng cho tình thương, cho sự tri âm, “vầng trăng” biểu trưng cho nghệ thuật (của Lor-ca). Hai câu thơ mang tính khẳng định: dù Lor-ca đã ra đi nhưng tình yêu và cái đẹp trong thơ của Lor-ca đã kết thành thứ ánh sáng kỳ ảo, vĩnh hằng trong tâm hồn các thế hệ sau. Không chỉ bất tử, tiếng đàn của chàng ca sĩ hát rong còn mang vẻ đẹp của giọt nước mắt vầng trăng. Một hình ảnh gợi lên nhiều liên tưởng mang tính thi vị. Phải chăng đó chính là vẻ đẹp của nghệ thuật được kết tinh từ mồ hôi, máu và nước mắt của lao động nghệ thuật chân chính, sau bao thời gian được nhào nặn, nay đã trở thành những viên ngọc sáng lấp lánh, mang hình hài của giọt nước mắt vầng trăng tinh khiết. Hay đó chính là vẻ đẹp của cuộc đời Lor-ca đã hóa thân thành viên ngọc quý lung linh tỏa sáng giữa đời. Hình ảnh thơ vừa đẹp vừa mang chút u sầu được viết theo lối tượng trưng, hòa quyện với lời thơ đầy thi vị, bộc lộ niềm trân trọng, niềm tin vào sự bất tử, bất diệt của tiếng đàn Lor-ca.
5. 9 câu thơ cuối:
Những câu thơ cuối cùng tiếp tục là những suy tư của nhà thơ Thanh Thảo về cái chết và cuộc giã từ của Lor-ca:
đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lor-ca bơi sang ngang
trên chiếc ghi ta màu bạc
chàng ném lá bùa cô gái Di-gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt
li-la li-la li-la…
“Đường chỉ tay đã đứt” - biểu tượng cho thái độ chấp nhận định mệnh như một quy luật phũ phàng. Định mệnh hữu hạn đặt dấu chấm hết cho số phận của một con người. “Dòng sông rộng vô cùng” là biểu tưởng cho dòng sông số phận, cũng như ranh giới giữa sự sống và cái chết, dòng sông vô hạn của thực tại và hư vô. “Chiếc ghi ta màu bạc” là biểu tượng cho cái đẹp của nghệ thuật chân chính. Nó giờ đây đã trở thành con thuyền chở Lor-ca “sang ngang”, đi vào cõi siêu sinh bất tử. “Màu bạc” của đàn ghi ta hư ảo một màu huyền thoại, nhưng cũng có thể thấy sắc bạc ấy sáng lên, ánh lên những gam màu lấp lánh của khát vọng tự do, của những cách tân nghệ thuật mà một thời Lor-ca đã theo đuổi. Chàng nghệ sĩ ấy đã bỏ lại cuộc đời, ném lại tình yêu và số phận mình “vào xoáy nước” của cuộc đời đầy máu và nước mắt để ra đi. Ở giữa ranh giới sự sống và cái chết, giữa thực tại và siêu thoát, Lor-ca đã giã từ cuộc đời này. Hai hành động “ném lá bùa cô gái Di-gan vào xoáy nước” và “ném trái tim mình vào lặng yên bất chợt” đã mở ra những cảm nghĩ về Lor-ca từ rất nhiều bình diện. Lor-ca đã biểu hiện thái độ hoàn toàn chủ động trước khi chấp nhận cái chết. Lor-ca không chỉ thắng được bọn phát xít mà còn chiến thắng cả định mệnh.
Chuỗi âm thanh kết thúc bài thơ “li-la li-la li-la” là sự giao thoa giữa thanh âm và thi ảnh. Nó không chỉ gợi lên một cú vê ghi ta vang vọng sau khi lời ca đã ngừng mà còn gợi lên bóng ảnh đóa hoa Tử Đinh Hương – loài hoa màu tím. Thanh âm ngân nga nối dài, như từng hàng hoa nở rộ, trải đều, đó là sự sống đang nảy nở từ cái chết đau thương của nhà thi sĩ, hay đó chỉ đơn thuần là những đóa hoa thể hiện sự sống bất diệt của nghệ thuật Lor-ca?
⭐⭐⭐⭐⭐
StudyCare Education
The more we care - The more you succeed
⭐⭐⭐⭐⭐
- 🔹 Bồi dưỡng Toán - Lý - Hóa - Sinh - Văn - Anh theo chương trình phổ thông Quốc Gia và chương trình học các cấp của các trường Quốc Tế.
- 🔹 Luyện thi chuyển cấp lớp 9 lên lớp 10, luyện thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia, Luyện thi Đại Học.
- 🔹 Giảng dạy và luyện thi IELTS - TOEIC - TOEFL - PTE - SAT - ACT - GMAT - GRE và các chứng chỉ Quốc Tế.
- 🔹 Hỗ trợ các loại hồ sơ, thủ tục cấp VISA Du học - Du lịch - Định cư các Quốc gia Châu Âu, Châu Úc, Châu Mỹ.
- 🔹 Các dịch vụ dịch thuật chuyên nghiệp: dịch thuật chuyên ngành; dịch thuật công chứng; dịch thuật các loại sách, giáo trình.
- 🔹 Hoạt động hỗ trợ học thuật chuyên môn cao: cung cấp số liệu, dữ liệu khoa học; xử lý các mô hình Toán bằng phần mềm chuyên dụng; cung cấp các tài liệu điện tử có bản quyền: sách chuyên ngành, các bài báo khoa học.
⭐⭐⭐⭐⭐
Công ty CP Đầu tư Phát triển Giáo dục StudyCare
MST 0313301968
⭐⭐⭐⭐⭐
📌 72/53 Nguyễn Văn Thương, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
☎ Điện thoại: (028).353.66566
📱 Zalo: 098.353.1175
📋 Brochure: https://goo.gl/brochure
📧 Email: hotro@studycare.edu.vn
🏡 Location: https://goo.gl/maps/studycare
🌐 Visit us online: https://qrco.de/studycare