CẢNH NGÀY XUÂN - NGUYỄN DU

CẢNH NGÀY XUÂN - NGUYỄN DU

29/03/2021 CÔNG TY CP ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC STUDYCARE 0 Bình luận

CẢNH NGÀY XUÂN - Nguyễn Du

 

Tổng hợp và biên soạn:

Ms. Đặng Thiên Thanh

Lecturer and Content Marketing Specialist Digital Marketing Department | StudyCare

Bachelor in Business Administration, Vietnam – Japan Institute of Technology, Ho Chi Minh City University of Technology

Bachelor in English Language & Literature, Hanoi Open University

A. KIẾN THỨC CƠ BẢN

I. Tác giả:

Đại thi hào Nguyễn Du (1765 – 1820). Tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên. Quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sáng tác rất nhiều tác phẩm chữ Hán và chữ Nôm: ba tập thơ chữ hàn gồm 243 bài. Tác phẩm chữu Nôm xuất sắc nhất của Nguyễn Du là Đoạn trường tân thanh, hay còn được gọi là Truyện Kiều.

Nguyễn Du sinh trưởng trong một thời đại có nhiều biến động dữ dội, xã hội phong kiến Việt Nam khủng hoảng sâu sắc, phong trào nông dân khởi nghĩa nổ ra liên tục, đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã “một phen thay đổi sơn hà”. Nhưng triều đại Tây Sơn ngắn ngủi, triều Nguyễn lên thay. Những thay đổi lớn lao ấy đã tác động mạnh đến nhận thức tình cảm của Nguyễn Du. Từ đó, ông dần hướng ngòi bút của mình vào hiện thực, vào “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

II. Tác phẩm:

1. Hoàn cảnh sáng tác:

Truyện Kiều được Nguyễn Du viết dựa theo cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (tác giả Trung Quốc). Tuy nhiên, phần sáng tạo gần hết tác phẩm của Nguyễn Du mới mang ý nghĩa quyết định thành công của tác phẩm. Truyện Kiều được sáng tác vào đầu thế kỷ XIX (1805 - 1809).

 “Cảnh ngày xuân” là đoạn thơ tả cảnh ngày xuân trong tiết Thanh minh và cảnh du xuân của chị em Kiều, nằm sau đoạn tả tài sắc hai chị em Kiều, trước đoạn Kiều gặp nấm mộ Đạm Tiên và Kim Trọng. Đoạn trích là bức tranh thiên nhiên, lễ hội mùa xuân tươi đẹp, trong sáng náo nhiệt.

2. Kết cấu đoạn trích theo trình tự thời gian của cuộc du xuân

+ Bốn câu đầu: Khung cảnh ngày xuân 

+ Tám câu tiếp theo: Khung cảnh lễ hội trong tiết thanh minh

+ Sáu câu cuối: Cảnh chị em Kiều du xuân trở về

3. Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật:

- Nội dung: Là bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp, trong sáng và lễ hội mùa xuân tưng bừng náo nhiệt.

- Nghệ thuật: Sử dụng nhiều hình ảnh đắt giá và sáng tạo. Nhiều từ láy miêu tả cảnh vật và cũng là tâm trạng con người. Bút pháp miêu tả giàu chất tạo hình.

 

B. PHÂN TÍCH TÁC PHẨM

            1. Bốn câu đầu: Khung cảnh ngày xuân

“Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”

Hai câu đầu là hình ảnh khái quát về một ngày xuân tươi đẹp với hình ảnh én chao liệng trên bầu trời thanh bình tràn ngập ánh xuân tươi tắn trong sáng. Đồng thời, nhà thơ cũng ngỏ ý ngày xuân qua nhanh tựa như “con én đưa thoi” chín mươi ngày xuân mà nay đã ngoài sáu mươi. Hai câu thơ tiếp theo mới thực là bức tranh tuyệt mỹ:

“Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.”

Chỉ đơn giản có cỏ xanh, hoa trắng mà đủ cảnh đủ màu, tất cả làm hiện lên cả một không gian mùa xuân thoáng đạt. Ở đây nếu hai câu thơ cổ Trung Quốc “Phương thảo liên thiên bích – Lê chi sổ điểm hoa” dùng hình ảnh cỏ thơm (Phương thảo) thiên về mùi vị thì Nguyễn Du thay bằng “cỏ xanh” thiên về màu sắc. Đó là màu xanh nhạt pha với màu vàng tươi tắn cùng màu lam trong sáng của nền trời buổi chiều xuân, trên đó điểm xuyết những đốm trắng của hoa lê. Bức tranh dung hòa những sắc độ lạnh mà bên trong vẫn rạo rực sức sống tươi mới của mùa xuân. Chữ “trắng” đảo lên trước tạo sự bất ngờ mới mẻ tinh khôi, thanh khiết như kết tinh những tinh hoa của trời đất. Chữ “điểm” gợi nên bàn tay người họa sĩ, chính bàn tay của họa sĩ thiên nhiên đã tô điểm cho cảnh mùa xuân, làm cho bức tranh trở nên có hồn, sống động hơn.

            2. Tám câu tiếp theo: Khung cảnh lễ hội trong tiết thanh minh

“Thanh minh trong tiết tháng ba

Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh

Gần xa nô nức yến anh

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân

Dập dìu tài tử giai nhân

Ngựa xe như nước, áo quần như nêm

Ngổn ngang gò đống kéo lên,

Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay.”

- Nguyễn Du đã rất tài tình khi tách hai từ lễ hội ra làm đôi để gợi tả hai hoạt động diễn ra cùng một lúc: Lễ tảo mộ, hội đạp thanh. Không khí lễ hội được gợi tả từ một hệ thống từ ngữ nhiều sắc thái biểu cảm. Đoạn thơ sử dụng nhiều tính từ “nô nức, gần xa, ngổn ngang” để làm rõ hơn tâm trạng người đi hội. Nhiều danh từ ghép “yến anh, tài tử, giai nhân, chị em, ngựa xe, áo quần” gợi tả sự đông vui tấp nập. Các động từ “sắm sửa, dập dìu” gợi được sự rộn ràng của ngày hội.

- Thông qua buổi du xuân của chị em Thúy Kiều, tác giả khắc họa hình ảnh một truyền thống văn hóa lễ hội xa xưa. Cụm từ “nô nức yến anh” ẩn dụ gợi lên hình ảnh từng đoàn nam thanh nữ tú nô nức đi chơi xuân như những đàn chim én, chim oanh bay ríu rít. Trong lễ hội mùa xuân náo nhiệt nổi bật những nam thanh, nữ tú, những “tài tử giai nhân” tay trong tay dạo chơi, niềm vui lễ hội như bao trùm cả nhân gian, đất trời. Những so sánh rất giản dị “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” gợi tả sự đông vui.

- Không chỉ vậy, “lễ là tảo mộ”- là lễ thăm viếng, sửa sang, quét tước phần mộ người thân: Đốt vàng vó, tiền giấy để tưởng nhớ những người đã khuất. “Hội là đạp thanh”- vui chơi chốn đồng quê, miêu tả cuộc sống thực tại, vui mừng trong những ngày xuân. “Lễ” là hồi ức tưởng niệm quá khứ theo truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “hội” là khát khao và hoài vọng nhìn về phía trước của cuộc đời. Lễ và hội trong tiết thanh minh là một sự giao hòa độc đáo, chứng tỏ nhà thơ rất yêu quý, trân trọng vẻ đẹp và giá trị truyền thống văn hóa dân tộc

3. Sáu câu cuối: Cảnh chị em Kiều du xuân trở về

“ Tà tà bóng ngả về tây

Chị em thơ thẩn dan tay ra về

Bước dần theo ngọn tiểu khê

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh

Nao nao dòng nước uốn quanh

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.”

- Khung cảnh có nét gì đó thanh thanh dịu nhẹ của mùa xuân: Nắng nhạt, khe nước nhỏ, một nhịp cầu bắc ngang nhưng đã nhuốm màu tâm trạng.

- Bóng tịch dương đã hòa cùng buổi xế chiều: “Tà tả bóng ngả về tây”, dòng nước uốn quanh. Nhưng đây không chỉ là hoàng hôn của cảnh vật mà dường như con người cũng chìm trong cảm giác bâng khuâng khó tả. Cuộc du ngoạn cảnh xuân đã tàn, lễ hội tưng bừng náo nhiệt đã chấm dứt, tâm hồn con người cũng chuyển điệu cùng cảnh vật, bước chân người bỗng chốc trở nên thơ thẩn, nhẹ nhàng, mênh mang hơn. Cảnh như nhạt dần, lắng dần, mọi chuyển động đều nhẹ nhàng, không gian mang dáng dấp nhỏ nhoi, bé hẹp, phảng phất buồn. Tâm trạng con người có chút bâng khuâng xao xuyến về cuộc du xuân đã tàn, có cả linh cảm về việc gặp gỡ nấm mộ Đạm Tiên và chàng thư sinh Kim Trọng “phong tư tài mạo tót vời”.

- Không chỉ có thế, ở đoạn thơ này, tác giả sử dụng rất nhiều từ láy như “nao nao, tà tà, thanh thanh” không chỉ biểu đạt sắc thái cảnh vật mà còn bộc lộ tâm trạng con người. Đặc biệt hai chữ “nao nao” thoáng gợi nên một nét buồn khó hiểu vu vơ, rất hợp với khung cảnh buổi chiều tà. Hai chữ “thơ thẩn” có sức gợi rất lớn, chị em Kiều ra về trong sự bần thần, nuối tiếc. “Dan tay” tưởng là vui nhưng thực là chia sẻ nỗi buồn không nói hết. Cảm giác bâng khuâng xao xuyến về một ngày vui xuân đã hé mở một vẻ đẹp tâm hồn hiếu nữ tha thiết với niềm vui cuộc sống, nhạy cảm và sâu lắng. Chính các từ này đã nhuốm màu tâm trạng lên cảnh vật. Đoạn thơ còn hay hơn bởi Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp cổ điển: Tả cảnh gắn với tả tình, tả cảnh ngụ tình, tình và cảnh tương hợp.

 

𝐒𝐮𝐛𝐬𝐜𝐫𝐢𝐛𝐞 𝐮𝐬 𝐨𝐧 𝐘𝐨𝐮𝐓𝐮𝐛𝐞

https://www.youtube.com/channel/UCDToQcZaZi0YAjAPxvv9S8g

👍 𝐅𝐨𝐥𝐥𝐨𝐰 𝐮𝐬 𝐨𝐧 𝐅𝐚𝐜𝐞𝐛𝐨𝐨𝐤

https://www.facebook.com/GiaSuThanhThang

👍 𝐉𝐨𝐢𝐧 𝐨𝐮𝐫 𝐨𝐟𝐟𝐢𝐜𝐢𝐚𝐥 𝐦𝐞𝐝𝐢𝐚 𝐜𝐡𝐚𝐧𝐧𝐞𝐥𝐬 𝐚𝐧𝐝 𝐬𝐭𝐚𝐲 𝐮𝐩𝐝𝐚𝐭𝐞𝐝

https://qrco.de/studycare

 

*****

Gia Sư Thành Thắng | StudyCare

The more we care - The more you succeed

  • Dạy kèm Toán - Lý - Hóa - Sinh - Văn - Anh theo chương trình phổ thông Quốc Gia và chương trình học các cấp của các trường Quốc Tế.
  • Luyện thi chuyển cấp lớp 9 lên lớp 10, luyện thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia, Luyện thi Đại Học.
  • Giảng dạy và luyện thi IELTS - TOEIC - TOEFL - PTE - SAT - ACT - GMAT - GRE và các chứng chỉ Quốc Tế.

 

📌 72/53 Nguyễn Văn Thương, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP.HCM (click to see us on GG map)

Website: https://studycare.edu.vn/

Điện thoại: (028).353.66566

Zalo: 098.353.1175

Brochure: https://drive.google.com/file/d/1nUbv7rFdBNRDXDRd5nw2IHRNE-7QSLDn/view?usp=sharing 

popup

Số lượng:

Tổng tiền: