QUY TẮC 1: CHỌN NGÀNH RỒI MỚI CHỌN TRƯỜNG
1. Khối ngành kinh tế - tài chính - quản lý: bao gồm các ngành như Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Kế toán – kiểm toán, Quản trị nhân sự, Marketing, Đầu tư…
Khối ngành có nhu cầu tuyển dụng cao và đa dạng ngành nghề. Kinh tế cũng là lĩnh vực dễ tự học nhất trong số các ngành đòi hỏi chuyên môn, các khóa đào tạo ngắn hạn, bổ trợ thêm kiến thức bên ngoài nhiều. Có thể học kết hợp cả đại học và học bên ngoài. Cần cẩn trọng khi chọn trường có khối ngành kinh tế vì chất lượng đào tạo khối ngành này ở nhiều trường Việt Nam khá yếu kém.
2. Khối ngành xã hội - nhân văn: bao gồm các ngành như Luật, Sư phạm, Ngoại ngữ, Báo chí, Khoa học xã hội nhân văn, Việt Nam học, Đông phương học…
Đây là khối ngành không nhiều người lựa chọn, vì ở Việt Nam nhóm ngành này khó xin việc và yêu cầu công việc tương đối cao. Tuy nhiên lại dễ định hướng chuyên môn của mình. Cần định hướng trước công việc sau khi ra trường của mình. Hai ngành lớn của khối ngành này là: Sư phạm và Y dược.
3. Khối ngành Khoa học – Kỹ thuật: Bao gồm các ngành khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh, các ngành kỹ thuật như Công nghệ thông tin, Cơ khí chế tạo, Giao thông vận tải, Xây dựng, Công nghệ sinh học…
Đây là khối ngành dễ xin việc nhất ở Việt Nam, chất lượng đào tạo của các trường tương đối tốt, thị trường lao động có nhu cầu cao.
4. Khối ngành nghệ thuật: bao gồm các ngành Mỹ thuật, Diễn xuất, Hát, Múa, các loại nhạc cụ…
Ngành này dành cho những bạn có năng khiếu từ sớm.
5. Khối ngành thể dục thể thao: dành cho những bạn có năng khiếu từ sớm.
Lưu ý: Phải chọn được ngành rồi mới chọn trường tốt nhất vừa sức (ngang, xấp xỉ) với điểm của mình, lúc này việc chọn trường nào sẽ không còn là vấn đề nữa.
QUY TẮC 2: NÊN CHỌN NGÀNH CỤ THỂ
Việc chọn được ngành cụ thể rất quan trọng. Khá nhiều bạn không định hướng được ngành học cụ thể của mình mà thường chọn học những ngành khái quát rộng như Quản trị kinh doanh, Việt Nam học, Đông phương học. Vì những ngành này học khái quát, không có chuyên môn cụ thể, ra trường rất khó xin việc.
Cần phải chọn được ngành có chuyên môn cụ thể như: Marketing, Quản trị nhân lực, Kế toán – Kiểm toán hay Tài chính – ngân hàng; hoặc ở nhóm ngành Xã hội: Luật, Sư phạm (môn cụ thể), Ngoại ngữ (cụ thể). Quan trọng nhất là cần phải chọn chuyên ngành cụ thể trước khi đăng ký nguyện vọng.
QUY TẮC 3: TÌM HIỂU KỸ TÍNH CHẤT CHUYÊN MÔN CỦA NGÀNH NGHỀ
Dù chọn ngành nghề nào thì bạn cũng phải tìm hiểu thật kỹ về ngành đó xem có phù hợp với bản thân mình hay không? Mình có thật sự thích ngành nghề đó không?
Ví dụ: Quản trị nhân lực thì làm việc với con người nhiều, thiên về công việc nhìn nhận, đánh giá thái độ, tính cách, năng lực của người khác; điều hòa các mối quan hệ; phù hợp với những bạn có EQ cao, nhạy cảm, tâm lý, sâu sắc. Marketing thì cần sự năng động, sáng tạo, thích kinh doanh. Kế toán – kiểm toán thì cần người thích các con số, chi tiết, cẩn thận, tỉ mỉ…
QUY TẮC 4: CHỌN TRƯỜNG CHUYÊN ĐÀO TẠO VỀ NGÀNH ĐÓ
Cần chọn trường có chuyên môn giảng dạy về ngành bạn mong muốn theo học. Ví dụ: ngành Sư phạm chọn trường Đại học Sư Phạm, ngành Kinh tế chọn Đại học Kinh tế. Vì như vậy, kiến thức bạn được tiếp thu mới chuyên sâu và đạt chất lượng tốt hơn.
QUY TẮC 5: CHỌN TRƯỜNG CÓ MÔI TRƯỜNG HỌC TẬP TỐT VÀ NĂNG ĐỘNG
Môi trường ở đây là tổng thể về mọi mặt: giảng viên, sinh viên, danh tiếng, chất lượng đào tạo, hoạt động ngoại khóa…